Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết đang ngày càng phức tạp và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới. Nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, sốt xuất huyết dễ diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm, gây xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng, rối loạn đông máu… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
1. Xử trí đúng cách khi bị sốt xuất huyết
Theo ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế khám và làm xét nghiệm chẩn đoán để được hướng dẫn theo dõi, điều trị phù hợp.
Trong trường hợp bệnh nhẹ có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và lưu ý theo dõi tình trạng sốt. Khi có sốt cần mặc quần áo thoáng, không đắp chăn kín, dùng khăn lau nước ấm để hạ sốt (nhiệt độ nước chườm thấp hơn nhiệt độ cơ thể lúc đang sốt khoảng 1-2 độ).
Nếu sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc paracetamol để hạ sốt theo đúng liều lượng cân nặng (10-15mg/kg/4-6h). Lưu ý tuyệt đối không sử dụng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt. Uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch orezol pha theo chỉ dẫn.
2. Người bệnh sốt xuất huyết có nên uống nước dừa không?
ThS. BS Vũ Mạnh Cường cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết, do đó bên cạnh việc điều trị triệu chứng, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng thật tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể.
Trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, sữa…; thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, thực phẩm giàu kẽm để tăng sức đề kháng cho cơ thể và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Ngoài ăn các thức ăn lỏng, mềm, giàu dinh dưỡng như: cháo, súp, sữa chua…; người bệnh cần lưu ý uống đủ nước. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ.
Người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây. Các loại nước ép cam, chanh, bưởi chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Nước dừa cũng chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp mất nước do sốt cao.
Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, nước dừa tự nhiên chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C...
Các khoáng chất có trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.
Theo ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, nhờ những giá trị dinh dưỡng tốt sẵn có, nước dừa được xem như một loại nước giải khát lành mạnh, có thể uống hằng ngày.
3. Nên uống nước dừa như thế nào là phù hợp?
Tuy nước dừa là loại nước uống bổ dưỡng, cung cấp vitamin, khoáng chất và các chất điện giải cho cơ thể nhưng cũng không nên uống quá nhiều.
Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố bệnh lý đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Theo chuyên gia y học cổ truyền, nước dừa bổ mát có tính âm cao không nên lạm dụng, mỗi ngày chỉ nên dùng 1 - 2 quả. Đặc biệt là người hàn lạnh âm thịnh dương suy, miệng không khát nên kiêng nước dừa, nếu uống cho thêm vài lát gừng, một chút ít muối để tăng dương tính, khử bớt tính hàn.
Nước dừa giúp bù nước và cân bằng điện giải cho người bị sốt xuất huyết.
ThS. BS Vũ Mạnh Cường khuyên người bệnh sốt xuất huyết cần tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc điều trị của bác sĩ. Trong quá trình chăm sóc tại nhà nên theo dõi tình trạng sức khỏe, tái khám thường xuyên từ ngày thứ 3 của bệnh để theo dõi số lượng tiểu cầu. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể chuyển biến nặng như: li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen… cần đến đến cơ sở y tế khám lại ngay để có biện pháp can thiệp kịp thời. |