Sau đây, tiến sĩ Priyamvada Tyagi, chuyên gia tư vấn nội tiết, Bệnh viện Max, Patparganj (Ấn Độ), sẽ giải đáp vấn đề trên.
Đầu tiên, hãy phân tích từng thành phần của ly nước chanh ấm mật ong đối với người bệnh tiểu đường:
Chanh có tốt cho người bệnh tiểu đường?
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ cho rằng các loại trái cây có múi như chanh là "siêu thực phẩm dành cho bệnh tiểu đường".
Nước chanh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu theo thời gian. Nó giúp ngăn chặn đường huyết tăng đột biến, theo chuyên trang y tế WebMD.
Chanh giúp giảm tác hại của bệnh tiểu đường vì nó có hai ưu điểm: chất xơ hòa tan và vitamin C.
Chất xơ hòa tan làm chậm quá trình tiêu hóa và nhờ đó giúp kiểm soát lượng đường, cholesterol trong máu.
Vitamin C có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói, giảm cả mức cholesterol, chất béo trung tính và giảm nguy cơ biến chứng do bệnh tiểu đường như bệnh tim, thận.
Mật ong có thực sự tốt cho người tiểu đường?
Còn với mật ong, tiến sĩ Priyamvada nói rằng mọi người thường nghĩ dùng mật ong thay đường có thể tốt cho người bệnh tiểu đường. Nhưng thực tế thì mật ong có chỉ số đường huyết GI là 58 và đường là 60, không khác biệt mấy.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải duy trì số lượng carbohydrate và chất xơ để giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá cao. Đó là lý do tại sao tuy mật ong rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp ích cho những người bệnh tiểu đường, nhưng người bệnh tiểu đường nên hạn chế dùng mật ong. Tiêu thụ quá nhiều mật ong có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường.
Tóm lại, cho đến khi có kết luận chắc chắn về mật ong, tốt nhất nên hạn chế ở lượng nhỏ, vì chỉ nửa muỗng cà phê mật ong đã chứa 8,7 gram carbs.
Tốt hơn, người bệnh tiểu đường nên uống nước chanh ấm không thêm mật ong. Nếu muốn thêm mật ong, nên không quá nửa muỗng cà phê và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống.
Theo Thanh niên