1.Vai trò của tập luyện với người ung thư tử cung

Với người bệnh ung thư tử cung, tập luyện hàng ngày giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, điều chỉnh hormone, hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và có thể làm giảm số lượng độc tố trong cơ thể.

Ngoài ra, tập luyện hàng ngày còn giúp người bệnh ung thư tử cung giảm lo lắng và trầm cảm, tăng cường chức năng tim, phổi, tăng khối lượng cơ nạc và mật độ xương, đồng thời ngăn ngừa các bệnh như loãng xương, đái tháo đường, bệnh tim, tăng huyết áp, cholesterol cao và nhiều bệnh khác.

Tăng sức mạnh tổng thể và mức năng lượng của bạn.

Người bệnh ung thư tử cung nên thực hiện 150 phút hoạt động aerobic vừa phải mỗi tuần, cùng với 2 ngày một tuần các hoạt động tăng cường cơ bắp.

Hình ảnh ung thư cổ tử cung biến chứng nguy hiểm | BvNTP

Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới.

2.Bài tập tốt cho người ung thư tử cung

Yoga

Thực hiện và giữ tư thế yoga có thể giúp tăng sự cân bằng và linh hoạt. Cách thực hành này cũng có thể giúp giảm đau lưng, giảm căng cơ. Các bài tập yoga là một cách để thư giãn, hỗ trợ kiểm soát cơn đau liên quan đến ung thư tử cung.

Tư thế nữ thần

Tư thế thư giãn này giúp giảm đau vùng chậu, giảm căng tức bụng và cân bằng hệ thần kinh.

Cách thực hiện:

Đặt một chiếc gối dưới đùi, ngay bên dưới xương ụ ngồi.

Sử dụng các khối yoga và đệm để tạo ra một điểm tựa nghiêng.

Nằm xuống với cột sống và đầu được hỗ trợ bởi các đệm.

Thả lỏng, thư giãn hai cánh tay xuôi theo thân với lòng bàn tay hướng lên trên.

Tập trung vào việc hít thở sâu.

Giữ tư thế này trong 3 - 10 phút.

Vặn cột sống

Vặn cột sống giúp cải thiện khả năng vận động của cột sống, kéo giãn ngực, lưng và mông, cải thiện tiêu hóa.

Cách thực hiện:

Nằm ngửa, co hai đầu gối, bàn chân đặt phẳng trên sàn.

Dang hai tay sang ngang ra hai bên với lòng bàn tay úp xuống sàn.

Hít vào, khi thở ra, hạ đầu gối sang bên trái. Giữ tư thế, hít thở sâu 5 lần. Chú ý đến cảm giác căng và kéo dài ở hai bên xương sườn.

Đưa đầu gối trở về vị trí bắt đầu.

Lặp lại ở phía bên phải.

Lưu ý: Để hỗ trợ phần lưng dưới và xương cùng, hãy đặt một chiếc gối hoặc khối yoga giữa hai đầu gối. Đặt một chiếc gối dưới đầu gối nếu chúng không chạm sàn.

Tư thế gác chân lên tường

Tư thế này có tác dụng làm dịu và cải thiện lưu thông máu, làm mềm các cơ vùng chậu và làm giảm chuột rút.

Cách thực hiện:

Nằm ngửa trên sàn, đặt hông sát cạnh tường.

Nâng chân lên và áp vào tường.

Đặt cánh tay dọc theo cơ thể hoặc đặt tay lên bụng.

Giữ nguyên tư thế này trong tối đa 15 phút.

Tư thế anh hùng ngả người

Tư thế này nhẹ nhàng kéo căng bụng và xương chậu, giúp giảm đau, đầy hơi và khó chịu.

Cách thực hiện:

Bắt đầu ở tư thế quỳ, mu bàn chân áp xuống sàn, khoảng cách rộng hơn hông.

Từ từ đặt mông xuống sàn giữa hai bàn chân.

Sử dụng cẳng tay và khuỷu tay để hỗ trợ, nhẹ nhàng ngả lưng ra sau.

Giữ tư thế này trong tối đa 1 phút.

Trở lại tư thế ngồi.

Lưu ý: Để giảm cường độ, hãy thực hiện tư thế này từng chân một. Để hỗ trợ đầu và cổ, hãy tạo một điểm tựa nghiêng bằng cách sử dụng các khối và đệm.

Tư thế góc cố định

Tư thế thư giãn này làm dịu hệ thần kinh, giảm căng thẳng, giảm khó chịu ở vùng chậu.

Cách thực hiện:

Nằm ngửa trên sàn, hai đầu gối co lại sao cho hai lòng bàn chân áp vào nhau.

Đặt hai tay dọc theo cơ thể hoặc đặt tay lên bụng.

Giữ nguyên tư thế này trong tối đa 5 phút.

SKLĐ - Yoga: Tư Thế Ngồi Xổm-Malasana

Tư thế ngồi xổm

Tư thế ngồi xổm

Tư thế ngồi xổm giúp tăng cường cơ vùng chậu và giúp giảm đau, chuột rút, các vấn đề về tiêu hóa, giúp tăng tính linh hoạt và lưu thông máu.

Cách thực hiện:

Đứng thẳng với bàn chân rộng hơn hông.

Ép chặt lòng bàn tay vào nhau.

Xoay nhẹ các ngón chân ra hai bên.

Cong đầu gối và từ từ hạ hông xuống tư thế ngồi xổm thấp.

Để làm sâu tư thế, hãy ấn khuỷu tay vào đùi.

Giữ tư thế này trong tối đa 1 phút.

Một số hoạt động khác:

Đi bộ: Đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường thể trạng, nâng cao sức khỏe. Nếu tình trạng sức khỏe ổn định, người bệnh ung thư tử cung có thể chạy bộ hay đi bộ nhanh.

Bơi lội: Bơi lội giúp vận động toàn bộ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.

Thái cực quyền: Hình thức tập luyện này giúp giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

3. Những lưu ý khi tập luyện với người bệnh ung thư tử cung

Một số bài tập cần tránh

Với người bệnh ung thư tử cung, nên tránh các tư thế làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoặc người bệnh vừa trải qua phẫu thuật thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ bài tập nào.

Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý bảo vệ mô lành, tránh các tư thế gây áp lực lên bụng hoặc vị trí phẫu thuật như nằm sấp trong tư thế nhân sư, đưa đùi tiếp xúc với bụng trong tư thế em bé hoặc ép bụng trong tư thế em bé vui vẻ…

Thời điểm tập tốt trong ngày: Tùy từng thể trạng, lịch sinh hoạt, công việc mà người bệnh ung thư tử cung lựa chọn thời điểm phù hợp nhất (buổi sáng, buổi chiều, buổi tối) với bản thân để thực hiện các hình thức tập luyện, hướng đến mục tiêu đều đặn, thường xuyên.

Cách tập không gây hại cho sức khỏe:

  • Người bệnh nên chọn các hoạt động phù hợp với sức khỏe.
  • Tập thể dục ở nơi an toàn với thiết bị an toàn.
  • Sử dụng thiết bị đặc biệt theo khuyến cáo, nếu có.
  • Tránh hoạt động quá mức và luôn lắng nghe cơ thể.
  • Khi mới bắt đầu, chỉ cần 5 phút mỗi ngày để thiết lập thói quen và tăng dần thời gian, cường độ cho phù hợp.

Theo suckhoedoisong.vn