ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng cho biết: "Xét trong nhiều loại thức uống, nước dừa được xếp vào loại thức uống lành mạnh hàng đầu, so với nước mía, nước ngọt, nước ép một số loại trái cây… nước dừa có nhiều ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều. Cấu trúc đặc biệt của cây dừa đã làm cho trái dừa có được những đặc tính thú vị".
Nước dừa có thể là một bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống của bạn. Nó giúp hydrat hóa trong khi ít calo và chất béo. Nước dừa thường an toàn để uống và cung cấp chất điện giải tự nhiên.
1. Giá trị dinh dưỡng của nước dừa
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một cốc nước dừa (khoảng 240 ml) có chứa:
- Lượng calo: 60
- Carbs: 15g
- Chất béo: 0g
- Đường: 8g
- Canxi: 4% giá trị hàng ngày (DV)
- Magiê: 4% DV
- Phốt pho: 2% DV
- Kali: 15% DV
Nhờ những giá trị dinh dưỡng tốt sẵn có, nước dừa được xem như một loại nước giải khát lành mạnh và có thể uống hằng ngày.
2. Người bệnh tiêu chảy có nên uống nước dừa?
Thành phần nước dừa chứa nhiều điện giải, khoáng chất và ít nhiễm khuẩn. Các chất điện giải trong nước dừa như kali, natri và magiê. Đây là những khoáng chất có điện tích có trong máu, nước tiểu và mồ hôi của bạn. Chúng rất cần thiết cho các quá trình khác nhau giúp cơ thể bạn hoạt động.
Ví dụ, chất điện giải cần thiết cho hoạt động bình thường của các dây thần kinh và cơ bắp. Chất điện giải cũng giúp duy trì môi trường trong cơ thể bạn. Chúng làm như vậy bằng cách giữ cho bạn đủ nước và duy trì độ pH bên trong cơ thể bạn.
Một số người cho rằng uống nước dừa gây lạnh bụng và người bị tiêu chảy uống nước dừa càng khiến bệnh nặng hơn. ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng cho biết, đây là một trong những lầm tưởng về dinh dưỡng thường gặp.
Nước dừa cung cấp nhiều khoáng chất và chất điện giải cần thiết.
ThS. BS Đặng Ngọc Hùng giải thích: Khi một người bị tiêu chảy hoặc nôn ói, chúng ta thường được khuyên bổ sung bằng dung dịch điện giải oresol vì lúc này uống nước thôi là không đủ. Tại sao vậy? Đó là vì trong dịch nôn hoặc tiêu chảy chúng ta mất một số loại khoáng chất, điện giải như: kali, natri, clo... việc uống nước lọc sẽ không có các loại khoáng chất cần thiết để bù đắp vào chỗ mất đi.
Trong khi đó nước dừa lại có thành phần có thể cung cấp nước điện giải rất phù hợp, mùi vị thơm ngon hoàn toàn có thể dùng thay oresol có mùi vị khá khó uống, đặc biệt với trẻ em không dễ uống các loại nước có mùi vị không ngon.
Ngoài ra nước dừa còn là loại nước cực kỳ phù hợp cho những người bệnh tăng huyết áp, giúp cho việc điều hòa huyết áp tốt hơn và được xem là loại nước phù hợp cho cả người tập luyện hoặc người thường xuyên đổ mồ hôi trong môi trường nóng bức hoặc lúc bị sốt thì nước dừa cũng là loại nước lựa chọn phù hợp.
Mặc dù nước dừa tốt như vậy, tuy nhiên không vì tốt mà lại sử dụng quá nhiều. Dưới đây là những lưu ý khi uống nước dừa.
3. Một số lưu ý khi uống nước dừa
Nước dừa là một thức uống mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên, một số đối tượng sau đây nên cân nhắc khi uống nước dừa:
- Những người bị huyết áp thấp: Nước dừa giúp giảm huyết áp và phù hợp với những bệnh nhân tăng huyết áp, những người thường xuyên bị huyết áp thấp nên thận trọng khi uống nước dừa.
- Những người có lượng kali trong máu cao: Nước dừa chứa nhiều kali có thể làm hồi hộp, đánh trống ngực hoặc tăng nhịp tim.
- Người bị bệnh thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi uống nước dừa vì nước dừa rất giàu kali. Khi thận bị suy, chúng không thể đào thải thêm lượng kali. Vì vậy, điều cần thiết là phải theo dõi lượng kali của bạn nếu bạn bị suy thận ở giai đoạn sau để tránh tạo thêm gánh nặng cho thận.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bạn chỉ nên uống nước dừa lấy từ quả dừa tươi. Một số trường hợp nên tránh uống nước dừa đóng hộp vì chúng có thể chứa thêm đường, các chất bảo quản và thành phần thường không đầy đủ như dừa tự nhiên.
Theo suckhoedoisong.vn