"Lựa chọn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu", bà Michelle Routhenstein, chuyên gia dinh dưỡng tim mạch tại Mỹ, khẳng định.

Thực phẩm tốt cho người bị tiểu đường

Sữa chua Hy Lạp: Sữa chua Hy Lạp cung cấp protein để điều chỉnh lượng đường trong máu. Trong khi đó, lợi khuẩn từ sữa chua Hy Lạp có thể giúp tăng cường độ nhạy insulin và giảm viêm, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, bà Routhenstein cho biết.

leftcenterrightdel
 Hạnh nhân giàu magiê, chất xơ, chất béo không bão hòa đơn, tốt cho người bị tiểu đường
 
Hạnh nhân: Bà Routhenstein giải thích rằng hạnh nhân giàu magiê, chất xơ, chất béo không bão hòa đơn và kẽm, có thể giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và giảm cảm giác đói.

Mận khô: Theo bà Erin Palinski-Wade, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, mận khô có chỉ số đường huyết thấp nhất trong tất cả các loại trái cây sấy khô. Chúng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, kiểm soát bệnh tiểu đường và tăng cường chất xơ.

Các loại đậu: Việc ăn đậu có thể giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ giảm cân. Protein và chất xơ trong đậu giúp làm chậm quá trình tăng đường huyết sau bữa ăn, hỗ trợ kiểm soát glucose tổng thể.

Dâu tây: Dâu tây ít calo, carbohydrate và giàu chất chống oxy hóa. Chúng cũng giàu vitamin C và magiê, 2 chất dinh dưỡng có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.

Cam: Giàu vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa như flavonoid, cam có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường.

Hạt dẻ cười: Protein thực vật, chất béo lành mạnh và chất xơ trong hạt dẻ cười có thể giúp cân bằng đường huyết đồng thời duy trì cảm giác thèm ăn ổn định.

Bông cải xanh: Giàu chất chống oxy hóa và hợp chất chống viêm, bông cải xanh giúp chống lại stress oxy hóa và viêm liên quan đến bệnh tiểu đường. Chúng còn cung cấp crom, giúp cơ thể xử lý insulin hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
 Khoai tây chiên thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh

Thực phẩm không tốt cho người bị tiểu đường

Nước ngọt và các loại đồ uống có đường: Đây là nguồn cung cấp đường cô đặc, được cơ thể tiêu hóa rất nhanh, gây ra sự tăng đột ngột lượng đường trong máu.

Bánh ngọt: Chúng thường chứa nhiều đường phụ gia, carbohydrate tinh chế và chất béo, nhưng lại rất ít vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng có lợi. Bánh ngọt có thể gây ra tình trạng đường huyết tăng vọt và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa.

Đồ chiên rán: Khoai tây chiên hoặc gà rán chứa nhiều chất béo không lành mạnh và carbohydrate tinh chế. Điều này có thể dẫn đến tăng cân, kháng insulin và đường huyết không ổn định.

Rượu: Bà Palinski-Wade giải thích rượu ảnh hưởng đến khả năng giải phóng glucose của gan, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt đối với những người dùng insulin hoặc một số loại thuốc điều trị tiểu đường.

Nước tăng lực: Với hàm lượng đường, caffeine và guarana cao, nước tăng lực có thể tăng đột ngột lượng đường trong máu và làm tăng tính kháng insulin, theo cảnh báo của Routhenstein.

Kẹo: kẹo chứa nhiều đường và ít giá trị dinh dưỡng, khiến lượng đường trong máu tăng vọt.

Theo Thanh niên