Mặc dù các loại thuốc chống trầm cảm có thể điều trị các triệu chứng trầm cảm, nhưng không phải lúc nào cũng giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Đây là lý do tại sao các bác sĩ thường khuyến cáo dùng liệu pháp tâm lý (liệu pháp trò chuyện) phối hợp với các thuốc điều trị trầm cảm.
1. Thuốc chống trầm cảm hoạt động như thế nào?
Nói chung, thuốc chống trầm cảm giúp thay đổi cách não bạn sử dụng một số hóa chất nhất định (được gọi là chất dẫn truyền thần kinh), để điều chỉnh tâm trạng và hành vi của bạn tốt hơn.
Theo đó, thuốc chống trầm cảm làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, norepinephrine và dopamine – những chất giúp cải thiện tâm trạng, tạo cảm giác hưng phấn, giảm sự chán nản…
Người bệnh trầm cảm thường có tâm trạng chán nản, mất hứng thú trong cuộc sống…
2. Các loại thuốc chống trầm cảm
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Các thuốc này hiện là loại phổ biến nhất được sử dụng cho bệnh trầm cảm. Một số thuốc như: Citalopram, escitalopram, paroxetine, fluoxetine và sertraline.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): Nhóm này bao gồm venlafaxine, desvenlafaxine, duloxetine và levomilnacipran…
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Một số thuốc phổ biến như amitriptyline, desipramine, doxepin, imipramine, nortriptyline…
- Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): Gồm phenelzine, tranylcypromine, isocarboxazid và selegiline thẩm thấu qua da (miếng dán da emsam). Mặc dù MAOIs có tác dụng tốt nhưng chúng không được kê đơn thường xuyên, vì có nguy cơ tương tác nghiêm trọng với một số loại thuốc và thực phẩm nhất định.
- Các loại thuốc khác:
+ Bupropion: Là một loại thuốc chống trầm cảm được cho là có tác dụng lên các chất hóa học trong não như norepinephrine và dopamine.
+ Esketamine (spravato) là một loại thuốc ban đầu được phát triển dưới dạng thuốc gây mê. Thuốc được dùng dưới dạng xịt mũi và sử dụng cho những người không đáp ứng với việc điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm khác.
+ Mirtazapine: Tác động chủ yếu đến serotonin và norepinephrine thông qua các thụ thể não khác với các loại thuốc khác. Thuốc thường được dùng trước khi đi ngủ (vì thường gây buồn ngủ).
Ngoài ra, đối với các trường hợp trầm cảm kháng trị, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc:
- Một số loại thuốc chống loạn thần cụ thể đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường tác dụng của thuốc chống trầm cảm khi phản ứng ban đầu kém. Chúng bao gồm aripiprazole, quetiapine, brexpiprazole…
- Lithium carbonat thường được cho là có tác dụng ổn định tâm trạng trong rối loạn lưỡng cực, từ lâu cũng được coi là một phương pháp điều trị bổ sung hữu ích cho thuốc chống trầm cảm cho những người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng.
- Buspirone - một loại thuốc chống lo âu, đôi khi cũng hữu ích cho chứng trầm cảm khi được thêm vào thuốc chống trầm cảm…
3. Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm
Mỗi loại (nhóm) thuốc chống trầm cảm và mỗi nhãn hiệu đều có những tác dụng phụ, có thể xảy ra khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm bao gồm:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Rối loạn chức năng tình dục (giảm ham muốn tình dục)...
Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm thường nhẹ và cải thiện theo thời gian. Điều quan trọng người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra của loại thuốc cụ thể mà bạn đang dùng. Nếu các tác dụng phụ gây khó chịu, hoặc không biến mất, có thể cần điều chỉnh liều lượng hoặc thử dùng một loại thuốc khác phù hợp hơn.
4. Lưu ý khi dùng thuốc chống trầm cảm
Khi dùng thuốc chống trầm cảm, người bệnh cần lưu ý:
- Thuốc chống trầm cảm thường có dạng thuốc viên: Cần nuốt viên thuốc với chất lỏng như nước.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Khi bạn bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm lần đầu tiên, bác sĩ thường cho liều thuốc thấp nhất có thể để cải thiện các triệu chứng. Theo thời gian, sẽ cần điều chỉnh liều lượng nếu cần thiết và có thể mất nhiều tuần trước khi người bệnh bắt đầu nhận thấy sự cải thiện các triệu chứng của mình.
- Theo dõi tâm trạng: Người bệnh hoặc người nhà cần theo dõi tâm trạng và hành vi của người bệnh, cố gắng quan sát bất kỳ kiểu thay đổi tâm trạng nào mỗi tuần, trao đổi với bác sĩ nếu cảm thấy các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
- Kiên trì điều trị theo quy định: Thuốc chống trầm cảm có thể mất từ 4 - 8 tuần mới có tác dụng đầy đủ. Do đó, người bệnh cần kiên trì tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng liều, không tự ý ngừng điều trị.
- Dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày: Nên dùng thuốc điều trị trầm cảm vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Sẽ dễ nhớ hơn nếu bạn thực hiện việc uống thuốc cùng với một hoạt động khác như ăn sáng hoặc đi ngủ.
- Đừng bỏ qua tác dụng phụ: Tác dụng phụ là một trong những lý do chính khiến người bệnh bỏ thuốc. Nếu bạn gặp tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ xem liệu có cách nào để giảm thiểu hoặc loại bỏ chúng không. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tác dụng phụ có thể tồi tệ hơn khi bạn mới bắt đầu dùng thuốc và sẽ giảm bớt bớt theo thời gian.
- Tránh tương tác thuốc: Một số loại thuốc có thể có tương tác bất lợi với thuốc chống trầm cảm. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng hoặc bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào khác để bác sĩ có thể theo dõi việc điều trị của bạn một cách an toàn.
- Không tự ý ngừng thuốc đột ngột: Bỏ thuốc đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng liên quan đến việc ngừng thuốc. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ và tình trạng trầm cảm sẽ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, khi muốn ngừng thuốc cần giảm liều từ từ (theo hướng dẫn của bác sĩ).
- Không uống rượu trong khi dùng thuốc chống trầm cảm: Điều này là do rượu (một chất gây trầm cảm) có thể làm cho các triệu chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, cả rượu và thuốc chống trầm cảm đều có thể khiến bạn buồn ngủ và kém tỉnh táo. Những hiệu ứng này có thể tăng lên khi bạn kết hợp chúng lại với nhau.
Theo suckhoedoisong.vn