Tuy nhiên, mối quan hệ giữa việc tiêu thụ trứng và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường từ các nghiên cứu chưa nhất quán. Điều này là do trong trứng có chứa hàm lượng cholesterol cao khiến nhiều người, trong đó có người bệnh đái tháo đường kiêng hoàn toàn các món từ trứng, loại bỏ khỏi thực đơn.
Lợi ích của trứng
Trứng được biết đến như một nguồn protein và nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin A, vitamin D, chất chống oxy hóa, kali, biotin... có tác dụng:
- Bảo vệ chống lại các gốc tự do
- Giúp ích cho chức năng não
- Cải thiện thị lực
- Tăng cường hệ thống miễn dịch
- Giúp các cơ quan như phổi và thận hoạt động tốt
Nói chung, trứng có lợi đối với sức khỏe tổng thể của đa số chúng ta và trứng cũng được biết là có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường.
Đã có nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn trứng vào bữa sáng có tác dụng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu của bệnh nhân đái tháo đường trong suốt cả ngày. Nghiên cứu cũng cho thấy những người ăn trứng và ít carbohydrate có chỉ số đường huyết ổn định trong 24 giờ và giảm lượng đường trong máu.
Hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ về lượng cholesterol trong chế độ ăn uống cho những người mắc bệnh đái tháo đường là 300 miligam mỗi ngày. Nếu một người có mức cholesterol LDL trên 100 miligam, lượng cholesterol của họ nên được giảm xuống 200 miligam mỗi ngày.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị rằng mọi người nên hạn chế lượng cholesterol từ thức ăn xuống không quá 300 miligam mỗi ngày. Trong khi đó, một quả trứng lớn có 186 miligam cholesterol, và phần lớn cholesterol đến từ lòng đỏ. Lòng trắng trứng là một lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân đái tháo đường.
Người bị bệnh đái tháo đường nên đưa trứng vào chế độ ăn uống của mình, ăn trứng đúng cách sẽ bổ sung thêm hàm lượng protein cao - protein được biết là làm giảm sự hấp thụ glucose. Ngoài ra, cùng với các vitamin và khoáng chất, trứng có một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp phát triển insulin và giảm nguy cơ bệnh tật.
Trứng là nguồn protein và nhiều chất dinh dưỡng.
Người đái tháo đường nên ăn trứng như thế nào?
Theo Cử nhân Dinh dưỡng Đỗ Át K, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai: Trong thành phần trứng toàn phần không có tinh bột, vậy nên không làm tăng lượng đường trong máu của người bệnh đái tháo đường. Trong lòng trắng trứng chứa chủ yếu là protein Albumin, là một loại protein huyết thanh quan trọng (chiếm khoảng 60 - 80% tổng số protein trong cơ thể).
Còn trong lòng đỏ trứng, 100g lòng đỏ trứng gà chứa khoảng 2000mg cholesterol (theo bảng thành phần các thực phẩm năm 2007) và đồng thời chứa khoảng 5000-8000mg Lecithin. Lecithin là một chất chuyển hóa cholesterol trong cơ thể người, hàm lượng lecithin trong lòng đỏ trứng còn cao hơn hàm lượng cholesterol vì vậy người bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý khác đều có thể ăn được trứng gà.
Cử nhân Dinh dưỡng Đỗ Át K cho biết người bệnh đái tháo đường nên dùng trứng gà ở mức 1 quả/ ngày hoặc cách ngày sử dụng 1 quả để đảm bảo được sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn. 1 quả trứng gà chứa thành phần dinh dưỡng tương đương như trong ½ lạng thịt nạc.
Theo suckhoedoisong.vn