Người dân Đông Nam Á "thon thả" nhờ mang gen chống béo phì
Cập nhật lúc 22:51, Thứ ba, 25/06/2024 (GMT+7)
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác định được một gen cụ thể có thể làm tăng khả năng chống béo phì, từ đó góp phần làm sáng tỏ các cơ chế phức tạp đằng sau vấn đề sức khỏe toàn cầu.
|
|
Tác động di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong vóc dáng thanh mảnh của người dân Đông Nam Á và khu vực phía nam Trung Quốc - Ảnh minh họa |
Béo phì có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm các bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2. Khi nghiên cứu y học phát triển, sự hiểu biết của chúng ta về béo phì và ý nghĩa của nó ngày càng tăng.
Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet đã xếp phụ nữ Trung Quốc đứng thứ 190 trên toàn cầu về tỷ lệ béo phì và đàn ông Trung Quốc đứng thứ 149.
Trong khi các yếu tố như chế độ ăn uống và thói quen chiếm vai trò quan trọng trong việc hình thành bệnh béo phì, một nghiên cứu gần đây do Giáo sư Jin Li và Phó giáo sư Zheng Hongxiang từ Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) dẫn đầu cho thấy, di truyền cũng có thể là một yếu tố quan trọng.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 2.877 mẫu từ 3 quần thể dân cư độc lập ở Quảng Tây, Giang Tô và Hà Nam. Kết quả được công bố trên ấn bản bình duyệt Journal of Genetics and Genomics của nhà xuất bản Elsevier.
Công trình đã xác định được 1 loại DNA ti thể hoạt động như yếu tố bảo vệ chống lại bệnh béo phì. “Ti thể thường được coi là nhà máy điện của tế bào, tạo ra 80 đến 90% năng lượng cần thiết cho các hành vi khác nhau của con người. Chức năng của ti thể từ lâu đã gắn liền với bệnh béo phì”, ông Jin viết trong báo cáo.
Không giống như DNA trong nhân tế bào, vốn đến từ cả cha và mẹ, DNA trong ti thể thường chỉ được di truyền từ mẹ. So với DNA hạt nhân, nó có nhiều khả năng tích lũy đột biến gen và thường được sử dụng trong phân tích tiến hóa.
Giáo sư Jin và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành phân tích liên kết 16 nhóm DNA ti thể cơ bản, có nguồn gốc từ một tổ tiên chung.
Họ phát hiện ra rằng một nhóm biến thể cụ thể có tên M7 có liên quan chặt chẽ đến việc giảm nguy cơ béo phì. Phân tích sâu hơn xác định được phân nhóm nhỏ có tên M7b1a1 đem lại tác động rõ ràng nhất.
Một nghiên cứu năm 2019 của Giáo sư Kong Qingpeng từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, được công bố trên tạp chí Sinh học phân tử và Tiến hóa, cho thấy phân nhóm cụ thể này “chủ yếu phân bố ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á”.
Theo phụ nữ TPHCM