Chân dung minh họa Typhoid Mary vào đầu thế kỷ 20. Ảnh: History.
Typhoid Mary tên thật là Mary Mallon, sinh ngày 23/9/1869, tại Cookstown, một ngôi làng nhỏ ở phía bắc Ireland. Quê hương của Mary là một trong những khu vực nghèo nhất Ireland. Tên gọi Typhoid Mary được đặt cho bà sau này, ghép tên của bà Mary và bệnh thương hàn (typhoid).
Năm 1883, Mary di cư đến New York (Mỹ) với mong muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Bà sống cùng người dì và xin làm giúp việc cho một số gia đình giàu có nhờ tài nấu nướng.
Năm 1906, sáu thành viên gia đình chủ ngân hàng Charles Warren mắc bệnh thương hàn sau chuyến nghỉ mát ở Vịnh West Oyster tại Long Island. Điều này khiến giới thượng lưu New York vô cùng ngạc nhiên bởi thương hàn được xem là căn bệnh của khu ổ chuột, gắn liền với sự đói nghèo và mất vệ sinh.
Lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, người cho gia đình Warren thuê nhà trong kỳ nghỉ quyết định nhờ George Soper, một chuyên gia vệ sinh để điều tra nguyên nhân. Kết quả cho thấy từ nguồn nước đến thức ăn cung cấp đều đảm bảo vệ sinh.
Tuy nhiên, Soper phát hiện người hầu gái Mary đã nấu ăn cho nhà Warrens vài tuần trước khi các thành viên phát bệnh. Nghiên cứu lịch sử làm việc của người phụ nữ Ireland, Soper còn biết rằng 7 gia đình từng thuê Mary làm việc cũng có người bị thương hàn. Tổng cộng, Mary liên quan đến 22 trường hợp mắc bệnh thương hàn, trong đó một người tử vong.
Các bác sĩ giả thuyết rằng Mary đã phát tán vi khuẩn thương hàn do không rửa kỹ tay trước khi xử lý thức ăn. Tuy nhiên, nhiệt độ cao khi nấu ăn sẽ giết chết vi khuẩn nên giả thuyết này không hợp lý.
Cuối cùng, Soper tìm thấy câu trả lời trong một món tráng miệng nổi tiếng của Mary: kem tươi với đào. Những miếng đào không được nấu chín nên nhiều khả năng là con đường lây lan của mầm bệnh.
Với kết quả điều tra của Soper, Sở Y tế thành phố New York ra lệnh bắt Mary vào năm 1907. Các mẫu thử từ cơ thể người phụ nữ dương tính với vi khuẩn thương hàn. Trong quá trình thẩm vấn, bà cũng thừa nhận không bao giờ rửa tay trước khi nấu ăn vì cho rằng điều này không quan trọng.
Mary bị giam trong căn nhà gỗ trên đảo North Bother, ngoài khơi bờ biển Bronx, chỉ có một con chó làm bạn. Bà than: "Tôi không bao giờ mắc bệnh thương hàn và luôn khỏe mạnh. Tại sao tôi lại bị trục xuất và sống trong sự giam cầm đơn độc giống như người mắc bệnh phong".
Năm 1910, Sở Y tế New York ra điều kiện thả Mary nếu bà thề không bao giờ nấu ăn nữa. Người phụ nữ đồng ý.
Năm 1915, dịch thương hàn bùng phát tại Bệnh viện Phụ sản Manhattan Sloane khiến 25 người mắc bệnh và hai người tử vong. Dịch bệnh bắt nguồn từ căn bếp của bệnh viện mà người đảm nhận nấu nướng không ai khác chính là Mary. Hóa ra, sau khi được thả, Mary vẫn tiếp tục nấu ăn trong các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện với tên giả Mary Brown. Vụ việc bị phát hiện, Mary một lần nữa bị đưa ra đảo North Brother.
Tổng cộng, Mary được cho là lây truyền thương hàn cho 51 người, trong đó ba trường hợp tử vong. Theo Soper, con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi bà còn dùng tên giả.
Đáng ngạc nhiên là Typhoid Mary luôn mang một hình ảnh khỏe mạnh. Bà chưa từng xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thương hàn như sốt, đau đầu và tiêu chảy.
Lần bị bắt giữ thứ hai, Mary trải qua 23 năm như một tù nhân giam lỏng cô lập. Người trên đảo được dặn không bao giờ nhận gì từ Mary, dù chỉ là cốc nước.
Từ đó đến cuối đời, Mary chỉ nấu ăn cho chính mình. Ngày 11/11/1938, bà trút hơi thở cuối cùng vì bệnh viêm phổi.
Theo vnexpress