leftcenterrightdel
 Phụ nữ là nhóm có nguy cơ mắc hậu Covid-19 cao hơn. Ảnh: The Conversation.

Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, khoảng 10% bệnh nhân bị các triệu chứng kéo dài, dai dẳng và tái phát sau 4-12 tuần. Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất hai tháng và không thể giải thích bằng các chẩn đoán thay thế.

Các hệ thống đánh giá cho thấy những triệu chứng phổ biến nhất gồm mệt mỏi, khó thở, đau khớp, đau đầu, ho, tức ngực, tiêu chảy. Đặc biệt, các triệu chứng phổ biến nhất trong vài tuần hoặc vài tháng khỏi Covid-19 thường được biết đến là mất khứu giác, khó thở. Danh sách các triệu chứng hậu Covid-19 do Dịch vụ Y tế Công cộng Anh công bố bao gồm mệt mỏi, phát ban và sương mù não. Một số nghiên cứu đã chỉ ra nhiều người có thể bị giảm ham muốn, chán sex sau khi khỏi bệnh.

Nhiều nghiên cứu trong số này dựa trên các triệu chứng do người bệnh tự báo cáo hoặc không có nhóm đối chứng, do đó, những kết luận rút ra có thể bị hạn chế. Cho đến nghiên cứu với quy mô 2,4 triệu người gần đây được công bố trên tạp chí Nature Medicine, vấn đề hậu Covid-19 một lần nữa nhấn mạnh hàng loạt vấn đề mà người khỏi bệnh có thể gặp phải.

Người bị lần hai có triệu chứng rõ hơn

Trong nghiên cứu này, các tác giả kiểm tra dữ liệu chăm sóc sức khỏe từ ngày 31/1/2020 đến 15/4/ 2021 của 486.149 người trưởng thành có chẩn đoán mắc Covid-19 và 1,9 triệu người không có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2.

Những người tham gia được so sánh về các đặc điểm xã hội học, bao gồm tình trạng hút thuốc, chỉ số khối cơ thể (BMI) và các bệnh đi kèm tại thời điểm ban đầu. Độ tuổi trung bình của họ là 43,8 tuổi và 55,3% là nữ.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố nhân khẩu học, các nhà nghiên cứu phát hiện những tình nguyện viên gặp phải 62 triệu chứng liên quan tiền sử mắc Covid-19.

Các triệu chứng phổ biến nhất, gồm cả vấn đề mới bổ sung, là mất khứu giác, rụng tóc, hắt xì, khó xuất tinh, giảm ham muốn tình dục, khó thở khi nghỉ ngơi, mệt mỏi, đau ngực, khàn tiếng, sốt.

Nhóm tác giả cho biết họ phân loại các triệu chứng này thành ba nhóm chính: Hàng loạt vấn đề về đau, mệt mỏi, phát ban (80%), triệu chứng về hô hấp như ho, khó thở, có đờm (5,8%), vấn đề sức khỏe tâm thần và triệu chứng nhận thức như lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, sương mù não (14,2%).

62 triệu chứng này thường xuyên xuất hiện trong vòng 12 tuần sau khi nhiễm bệnh so với người bình thường.

Đặc biệt, các tác giả phát hiện các triệu chứng hậu Covid-19 rõ ràng hơn ở những người mắc Covid-19 lần hai so với lần đầu. Cụ thể như triệu chứng ho, sau 12 tuần mắc Covid-19 đầu tiên, nguy cơ cao hơn 28% nhưng đến lần thứ hai, con số này là 77%.

Ai có nhiều rủi ro hơn?

Khi nghiên cứu, các tác giả phát hiện những người nghèo, người hút thuốc, người bị thừa cân và béo phì là nhóm có nguy cơ cao mắc các triệu chứng của hội chứng Covid-19 kéo dài.

Nhóm 30-39 tuổi và trên 70 tuổi có nguy cơ mắc lần lượt cao hơn 6% và 25% so với những người 18-30 tuổi.

Ngoài ra, nhóm dân số gốc Phi, bản địa Mỹ, Trung Đông hoặc Polynesia cũng thuộc thành phần rủi ro cao. Thiếu thốn xã hội cũng đóng vai trò nhất định; những người bị thiếu hụt kinh tế xã hội cao nhất có nguy cơ mắc hậu Covid-19 cao hơn 11%.

Các yếu tố rủi ro khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đau cơ xơ hóa và trầm cảm.

leftcenterrightdel
 Giảm ham muốn tình dục, rụng tóc là các triệu chứng phổ biến mới do hậu Covid-19. Ảnh: Freepik.

Nguyên nhân gây Covid-19 kéo dài?

Tiến sĩ Shamil Haroon, Phó giáo sư lâm sàng về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Birmingham, Anh, chia sẻ: “Nghiên cứu này xác nhận những triệu chứng mà bệnh nhân báo cáo cho bác sĩ lâm sàng và các nhà hoạch định chính sách trong suốt đại dịch. Các triệu chứng của Covid-19 kéo dài rất đa dạng, khó giải thích đầy đủ vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như lối sống hoặc tình trạng bệnh mạn tính".

Khi được hỏi điều gì có thể làm nền tảng cho danh sách triệu chứng Covid-19 kéo dài, vị chuyên gia nhận định cơ chế gây hậu Covid-19 vẫn chưa được hiểu rõ. Danh sách các triệu chứng khá đa dạng, tổn thương cơ quan (như sẹo phổi) do nhiễm trùng cấp tính, viêm mạn tính, virus còn tồn tại, rối loạn chức năng nội mô và cục máu đông, tự miễn dịch, cột sống đến kích hoạt tế bào và nhiều hoạt động khác.

“Hậu Covid-19 không phải tình trạng đơn lẻ mà là một số vấn đề chồng chéo xảy ra sau khi nhiễm nCoV", tiến sĩ Shamil Haroon nói.

Trong khi đó, tiến sĩ PJ Utz, giáo sư miễn dịch học và bệnh thấp khớp tại Đại học Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng: "Nhiều cơ chế làm nền tảng cho Covid-19 kéo dài và một phần giải thích cho sự không đồng nhất đáng kinh ngạc. Ví dụ, tình trạng viêm dữ dội trong thời gian bị bệnh ban đầu có thể làm tổn thương mô, dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng lâu dài. Điều này có thể làm cơ sở cho một số phát hiện như thiếu máu và các triệu chứng về phổi”.

Vì điểm này, các nhà nghiên cứu kết luận các triệu chứng khác nhau liên quan nCoV có mối quan hệ với nhiều yếu tố nguy cơ lâm sàng và xã hội học.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Haroon cho biết vẫn cần có thêm dữ liệu để có được bức tranh hoàn chỉnh. “Những hạn chế trong nghiên cứu của chúng tôi là chỉ xem xét các triệu chứng đã được báo cáo cho hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, chúng tôi không thể bình luận về mức độ phổ biến tổng thể của các triệu chứng này trong dân số nói chung. Nhiều người gặp phải nhưng họ không báo cáo".

Tiến sĩ Utz đồng ý với tiến sĩ Haroon và cho rằng nghiên cứu này sẽ mở ra con đường cho các nghiên cứu trong tương lai.Ông nói: “Một câu hỏi rất quan trọng vẫn chưa được giải quyết. Đó là liệu có quan sát thấy sự gia tăng các bệnh tự miễn hay không. Nếu có, điều này cho thấy nhiễm virus cấp tính nặng có thể trực tiếp gây ra hiện tượng tự miễn dịch hay không".

Theo zingnews