1. Tập luyện mang lại lợi ích gì cho người mắc hội chứng Sjogren?
Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, được đặc trưng bởi các triệu chứng khô miệng, mắt và các màng nhầy khác.
Hội chứng Sjogren ảnh hưởng nhiều hơn đến những người đồng thời mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì và lupus.
Hiện nay, chưa có cách điều trị hoàn toàn hội chứng Sjogren, thay vào đó chủ yếu là các phương pháp làm giảm triệu chứng, kiểm soát các biến chứng của bệnh. Trong đó, tập thể dục có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống giúp:
- Giảm thiểu các triệu chứng mỏi mắt, khô mắt, tăng cường chức năng của mắt.
- Cải thiện sự linh hoạt, giảm đau khớp, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp.
- Thư giãn tinh thần, giảm lo lắng, nhờ đó người bệnh có thể ngủ ngon hơn vào ban đêm.
- Cải thiện lưu thông máu và tăng cường năng lượng...
2. Một số bài tập hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của hội chứng Sjogren
Có một số bài tập và biện pháp hỗ trợ giúp cải thiện triệu chứng cho người mắc hội chứng Sjogren, đặc biệt là các triệu chứng khô miệng, khô mắt và đau cơ, khớp. Mặc dù không thể chữa trị hoàn toàn hội chứng Sjogren, nhưng các bài tập này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.1. Bài tập cho mắt
- Nhắm mắt và mở mắt chậm: Nhắm mắt lại trong 5 giây, sau đó từ từ mở mắt và lặp lại khoảng 10 lần. Điều này giúp duy trì độ ẩm cho mắt và giảm cảm giác khô.
- Bài tập đảo mắt: Nhìn theo từng hướng phải - trái - trên - dưới, rồi tiếp tục lặp lại. Bài tập này giúp cải thiện sự lưu thông của các tuyến nước mắt và giảm căng thẳng cho mắt.
- Chớp mắt thường xuyên: Hãy chú ý chớp mắt thường xuyên, đặc biệt khi làm việc với màn hình máy tính hoặc đọc sách. Chớp mắt giúp duy trì độ ẩm cho mắt và giảm cảm giác cộm.
|
|
Nhắm mắt lại trong 5 giây, sau đó từ từ mở mắt giúp duy trì độ ẩm cho mắt và giảm cảm giác khô. |
2.2. Bài tập cho miệng
- Tập luyện cơ miệng: Thực hiện các bài tập đơn giản như:
- Cười rộng miệng: Mở miệng hết cỡ và cười trong 5 giây, rồi thả lỏng. Lặp lại 10 lần.
- Vận động lưỡi: Di chuyển lưỡi lên, xuống, trái, phải trong vòng 30 giây, làm từ 2-3 lần mỗi ngày. Điều này giúp kích thích các tuyến nước bọt hoạt động.
- Uống nước đều đặn: Uống từng ngụm nhỏ nước trong suốt cả ngày để giữ cho miệng luôn ẩm.
2.3. Bài tập thể dục toàn thân
- Đi bộ nhẹ nhàng hoặc đạp xe: Những bài tập này giúp cải thiện sự linh hoạt và sức khỏe tổng thể. Vận động thường xuyên cũng có thể giúp giảm mệt mỏi và cứng khớp.
- Bài tập kéo giãn: Các bài tập kéo giãn cơ thể nhẹ nhàng giúp cải thiện sự linh hoạt, giảm đau khớp, cải thiện lưu thông máu. Người mắc hội chứng Sjogren có thể tập xoay người, kéo dài cánh tay, vặn mình nhằm giúp giảm căng thẳng cho cơ và khớp.
- Yoga hoặc pilates: Các bài tập yoga nhẹ nhàng hoặc tập pilates giúp cải thiện sự linh hoạt, giảm căng thẳng và mệt mỏi.
|
|
Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ giúp cải thiện sự linh hoạt và sức khỏe tổng thể. |
2.4. Bài tập thở
Các bài tập thở sâu và chậm giúp giảm căng thẳng, cải thiện lưu thông máu và cung cấp oxy cho cơ thể. Người bệnh có thể thử thở sâu 5-10 phút mỗi ngày. Hít vào chậm rãi qua mũi trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây, rồi thở ra từ từ qua miệng trong 6 giây.
3. Lưu ý đối với người mắc hội chứng Sjogren
Bên cạnh việc điều trị và tập các bài tập hỗ trợ nói trên, người mắc hội chứng Sjogren cũng cần thay đổi lối sống, làm việc và sinh hoạt để tránh tình trạng khô miệng, khô mắt và đau cơ, khớp.
- Tăng độ ẩm trong nhà và giảm tiếp xúc với luồng không khí thổi giúp mắt và miệng không bị khô. Đeo kính bảo hộ hoặc kính bảo vệ mắt khi ra ngoài trời.
- Uống từng ngụm chất lỏng, đặc biệt là nước lọc, trong suốt cả ngày.
- Hút thuốc có thể gây kích ứng và làm khô miệng. Do đó, hãy bỏ thuốc lá và các chất kích thích hay các thói quen có hại cho sức khỏe.
- Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập nào, đặc biệt là khi mắc đồng thời các bệnh khác.
Theo suckhoedoisong.vn