Thời tiết nắng nóng, oi bức kéo dài làm cơ thể phải điều nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi. Khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn sẽ làm mồ hôi bị ứ đọng gây rôm sảy.

1. Vai trò của tập luyện để phòng rôm sảy

Để phòng rôm sảy có thể luyện tập thể dục giúp tăng cường sức đề kháng, cơ thể khỏe mạnh hơn. Chỉ cần luyện tập những bài thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.

Ngược lại nếu lười vận động không chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải mà còn làm hệ miễn dịch và sức đề kháng của chúng ta bị yếu đi.

Với trẻ nhỏ, luyện tập thể dục là một phương pháp rèn luyện thể chất và tinh thần vô cùng hiệu quả. Các bài tập thể dục sẽ giúp cho trẻ linh hoạt hơn khi chuyển động các bộ phận trên cơ thể và còn rất có ích như: Giúp xương, cơ và khớp càng thêm khỏe mạnh hơn; đẩy nhanh sự liên kết của não bộ thông qua việc cải thiện kỹ năng vận động; thúc đẩy sự phối hợp, tính linh hoạt và cân bằng trong lúc di chuyển; gia tăng chất lượng giấc ngủ sâu hơn cho bé.

Việc luyện tập thường xuyên sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể được cải thiện. Trẻ ít bị cảm lạnh, dị ứng và bệnh tật, kể cả bệnh ngoài da trong đó có rôm sảy.

children exercising

Trẻ luyện tập thường xuyên cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể trong đó có rôm sảy.

2. Một số bài tập tốt nhất khi mắc rôm sảy

Người mắc rôm sảy vẫn có thể tập luyện thể dục thể thao một cách bình thường như: Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ... 

Ngoài ra, đối với trẻ có thể thực hiện các bài tập:

Chống đẩy

Chống đẩy là một bài tập rất phổ biến ở người lớn và các em nhỏ cũng có thể làm được. Cho trẻ chống 2 tay lên mặt sàn, hướng dẫn cho trẻ tư thế chống đẩy chuẩn xác như cách làm của người lớn. Sau đó  hít vào, gập đều tay để hạ toàn thân xuống sát mặt sàn. Thở ra, thẳng tay để về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác từ 5-7 lần tùy vào thể trạng khác nhau.

Bài tập kéo co, gập bụng

Để trẻ nằm ngửa rồi nắm lấy 2 tay trẻ kéo nhẹ nhàng và dần dần khi trẻ ngồi dậy… Đây là bài tập rất tốt giúp trẻ cùng cha mẹ vui đùa mà vẫn có thể vận động tốt.

Động tác ngồi xổm

Cũng giống như bài tập gập bụng, đây là một động tác giúp bé gia tăng khả năng tiêu hao năng lượng, nhanh chóng đốt cháy mở thừa nên rất hiệu quả với các trẻ.

Đứng thẳng, hạ người xuống sao cho đùi có thể vuông góc với sàn. Lặp lại động tác 5-10 lần.

children playing tug of war

Bài tập kéo co vận động rất tốt đối với trẻ.

3. Lưu ý khi luyện tập

Khi bị rôm sảy nên hạn chế vận động lúc mức nhiệt cao, tránh các hoạt động mạnh, đổ nhiều mồ hôi. Tốt nhất là thể dục, vui chơi trước 8h sáng và sau 17h chiều mỗi ngày. Kết hợp với đó là chế độ ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh, bổ sung đủ nước và mặc áo quần thoáng sẽ giảm được rôm sảy.

Lúc tập thể thao, nên chọn địa điểm và thời gian có nhiệt độ mát mẻ, ít độ ẩm, giúp cơ thể giảm tiết mồ hôi, đồng thời nên dùng quạt, điều hòa nhiệt độ để giảm thân nhiệt. Việc tắm nước mát thường xuyên và vỗ nhẹ cho da khô sẽ giúp da dễ chịu. Chúng ta cũng cần tránh mặc quần áo ẩm ướt, như sau khi bơi.

Nên luyện tập, vận động trung bình 1 giờ mỗi ngày kể cả trẻ nhỏ và người lớn. Tuy nhiên không nên vận động liên tục trong cả một tiếng nhất là mùa hè nóng bức. Với người già, trẻ nhỏ nên chia khoảng thời gian vận động ngăn lại để giúp vừa đỡ mệt mà vừa tăng sức bền.

Cường độ tập luyện thể chất tốt nhất nên là vừa phải rồi tăng dần lên theo khả năng của mỗi người. Đối với trẻ cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia đầy đủ các hoạt động để tăng cường cơ thể toàn diện ít nhất 2 – 3 lần/tuần, với các bài tập khác nhau. Tốt nhất cha mẹ cùng trẻ hoạt động, chơi các trò chơi vận động tránh tình trạng trẻ lười vận động

Mùa hè để giảm nguy cơ mắc rôm sảy nên chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, thanh mát, giầu vitamin là điều hết sức cần thiết.

Khi da phát ban, nên đắp một miếng gạc mát, hoặc khăn ẩm hay túi đá bọc trong khăn lên vùng tổn thương trong tối đa 20 phút mỗi lần. Nếu ngứa, hãy vỗ nhẹ lên vùng phát ban thay vì gãi. Uống nhiều nước có thể là nước như: sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, quả cam, chanh… để ngăn ngừa tình trạng mất nước; hạn chế các loại nước có nhiều đường.

Không nên cho trẻ ra ngoài vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian tia cực tím hoạt động mạnh mẽ nhất. Cần tránh cho trẻ đến những nơi đông đúc, ngột ngạt.

Ngoài ra, trong trường hợp bị rôm sảy dai dẳng, ngứa nhiều hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (mụn nước vỡ hoặc tổn thương mụn mủ),... cần đi khám để được chẩn đoán tìm nguyên nhân.

Theo suckhoedoisong.vn