Đại tiện tuy chỉ là một nhu cầu sinh lý bình thường của cơ thể nhưng chúng cũng là thước đo của sức khỏe. Một số sai lầm khi đi đại tiện như mang điện thoại vào toilet rồi ngồi quên tại đó rất lâu, cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn mắc phải vô số căn bệnh.
Dùng điện thoại trong khi đi đại tiện, coi chừng rước đủ thứ bệnh
Bác sĩ đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân Y) mới đây đã đưa ra lời cảnh báo về thói quen dùng điện thoại trong lúc đại tiện của nhiều bạn trẻ. Theo bác sĩ: "Ngày nay cứ 10 người trẻ thì chắc có đến 9 người dùng điện thoại trong lúc đang ở trong toilet. Điều này khiến mọi người xao nhãng, không tập trung vào việc tống phân, làm giảm phản xạ nhu động ruột, và kéo dài thời gian đi vệ sinh".
Hơn nữa, khi ngồi trên bồn cầu, cơ thể phải dồn phần lớn trọng lượng lên vành bồn cầu - đây là thứ có diện tích tiếp xúc nhỏ, do đó nó phần nào làm hạn chế lưu thông tuần hoàn. Nếu chúng ta ngồi như vậy trong một thời gian dài và sau đó đứng dậy ngay lập tức sẽ làm hạ huyết áp đột ngột. Từ đó, gây ra tình trạng thiếu máu lên não trong một khoảng thời gian, tuy rất ngắn nhưng cũng đủ gây ra cảm giác chóng mặt cho người có sức khỏe yếu và đặc biệt là rất nguy hiểm đối với người lớn tuổi.
"Ngoài ra ngồi lâu và rặn mạnh cũng làm áp suất trong ổ bụng tăng lên, gây cản trở cho việc tuần hoàn các tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng. Tình trạng tăng áp lực lên các tĩnh mạch đó kéo dài dẫn tới hình thành các búi trĩ", bác sĩ đa khoa Nguyễn Xuân Quang giải thích.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên mang theo điện thoại, sách báo vào phòng toilet việc đào thải chất thải được trơn tru, hiệu quả hơn. Đồng thời mọi người có thể bổ sung thêm nhiều chất xơ để vừa tránh táo bón và bệnh trĩ. Mọi người có thể ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung chất xơ. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số loại sản phẩm chúc năng hỗ trợ theo hướng dẫn của các bác sĩ.
Những dấu hiệu mắc bệnh khi đi đại tiện, cần phải đi khám
- Đầu tiên là đi đại tiện khó, phân khô và vón cục, số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần, thậm chí phải nhờ đến thuốc nhuận tràng. Trong trường hợp này, tốt nhất đừng bỏ qua mà nên đi nội soi đường tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân táo bón. Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu cũng thường xuyên xuất hiện dấu hiệu táo bón không rõ lý do.
- Thứ hai, thói quen đại tiện đã thay đổi, khi số lần đi đại tiện tăng lên, nhưng mỗi lần đi không nhiều, chủ yếu chỉ có chất nhầy và máu thì hãy cảnh giác với bệnh ung thư ruột.
- Thứ ba, bạn luôn cảm thấy tức ngực khi đi đại tiện, đặc biệt là mỗi khi gắng sức. Đừng chủ quan, đây là một dấu hiệu quan trọng của bệnh tim mạch vành.
|
|
Đại tiện khó, phân khô và vón cục số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần, thậm chí phải nhờ đến thuốc nhuận tràng... là dấu hiệu cần đi khám bác sĩ. |
- Thứ tư, bạn luôn cảm thấy chóng mặt và đau đầu khi đi đại tiện. Trong quá trình đại tiện, do gắng sức nên dễ khiến huyết áp tăng lên, lượng máu dồn về khoang chậu nhiều hơn khiến lượng máu cung cấp cho não bị giảm đột ngột, dễ gây tai biến mạch máu não.
- Thứ năm, thay đổi hình dạng phân. Nếu thấy phân mỏng hơn, dạng dài, mỏng, dẹt có rãnh thì nên cảnh giác với ung thư ruột, bởi các khối u trong ruột như một vật cản có thể tạo áp lực, đè hoặc chặn phân khiến phân thay đổi hình dạng.
Đậu Đậu