Người phải cười nhiều do nghề nghiệp sẽ khó kiểm soát rượu bia
Cập nhật lúc 19:36, Thứ hai, 28/10/2019 (GMT+7)
Khách hàng luôn đánh giá cao nhân viên vui vẻ, thân thiện. Khoa học cũng chứng minh mỉm cười khiến chúng ta thấy hạnh phúc. Nhưng cười dịch vụ, cười giả lả, cười vì trách nhiệm công việc không phải là điều tốt cho sức khỏe.
Miệng cười nhưng lòng không cười do yêu cầu công việc ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế lượng bia rượu tiêu thụ của người lao động – Shutterstock
Theo nghiên cứu mới được thực hiện tại Đại học Buffalo và Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), những người lao động bị ép buộc cười dễ uống nhiều rượu bia sau giờ làm.
Nhân viên trong các ngành nghề bắt buộc phải tiếp xúc với công chúng như y tá, nhân viên dịch vụ thực phẩm, bán hàng, tiếp thị… thường phải gượng cười bất kể họ cảm thấy thế nào. Ngoài ra, thành công trong công việc của họ thường phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn cảm xúc tiêu cực như chống lại sự thôi thúc cau mày, cau mặt chẳng hạn. Thu nhập của họ phụ thuộc vào khả năng mỉm cười và hành động như thể khách hàng luôn luôn đúng, theo Forbes.
Giáo sư tâm lý học Alicia Grandey nói trong thông cáo báo chí: "Không phải chỉ cảm giác tồi tệ khiến họ uống bia rượu. Thay vào đó, họ càng phải kiểm soát cảm xúc tiêu cực trong công việc thì họ càng ít kiểm soát được lượng rượu bia uống vào sau giờ làm”.
Các chuyên gia cho rằng ý thức được điều này, người lao động nên bỏ qua thói quen bù khú bên bàn nhậu với đồng nghiệp sau giờ làm việc. Hoặc đặt giới hạn uống đồ uống có cồn mỗi tuần.
Còn các ông chủ nên thông cảm với những gì nhân viên của mình phải đối phó. Xem xét công bằng mỗi khi khách phàn nàn về thái độ nhân viên. Thay vì la mắng một nhân viên có vẻ hơi gắt gỏng sau khi tương tác với khách hàng hoặc khiển trách ai đó vì họ trợn tròn mắt với khách, hãy hiểu rằng cách phản ứng họa hoằn lắm mới có một lần ấy của nhân viên giúp họ xả hơi. Điều này có thể khiến họ không uống rượu bia quá nhiều sau khi làm việc, theo Forbes.
Theo thanhnien