Ảnh: Shutterstock

Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, các điều tra dinh dưỡng cho thấy, trong 10 năm qua (2010 - 2019), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi từ 29,3% xuống còn 19,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng gầy còm từ 7,1% xuống còn 5,2%.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh miền núi, tình trạng suy dinh dưỡng ở nhóm trẻ này vẫn ở mức cao như: Hà Giang 31,7%; Cao Bằng 30,4%; Kon Tum 33,4% và Gia Lai là 32%.

Theo GS Tuyên, chiến lược can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng trên toàn quốc giai đoạn tới (2021 - 2030) sẽ tập trung can thiệp phòng suy dinh dưỡng cho vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Đồng thời, cần có các giải pháp truyền thông đến người dân về dinh dưỡng hợp lý.

Đơn cử, mức tiêu thụ thịt trung bình của người VN hiện là 134 gr/người/ngày; riêng khu vực các thành phố lớn hiện ở mức 154 gr/người/ngày là quá cao so với mức khuyến nghị nên tiêu thụ ở mức 50 - 80 gr thịt/người ngày, tùy theo cân nặng và cường độ lao động.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn quá nhiều thịt, trong đó có thịt đỏ (ảnh), là một trong những yếu tố được khuyến cáo làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ăn quá nhiều thịt là gánh nặng cho thận; gia tăng rối loạn chuyển hóa (tăng a xít uric máu, gây bệnh gout).

Theo thanhnien