leftcenterrightdel
 Bệnh nhân xếp hàng chờ tại phòng khám xã hội dành cho người nhiễm HIV ở thành phố Quezon, Philippines. Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế nước này cho thấy chỉ có 27% người dân biết đến các phòng khám xã hội - Ảnh: AFP

Đối với Chris, một sinh viên đại học 25 tuổi ở Manila, căn bệnh thế kỷ bắt đầu như 1 vết phát ban bất thường trên ngực. “Lúc đầu, tôi nghĩ đó chỉ là vết phát ban do xà phòng mẹ mua cho tôi”, chàng trai chia sẻ.

Những ngày sau đó, Cheis thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, sốt và ớn lạnh vào ban đêm. Khi bác sĩ da liễu loại trừ dị ứng là nguyên nhân gây phát ban trên da, bác sĩ đề nghị anh nên đi xét nghiệm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV).

Chris là một trong số ngày càng nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV ở Philippines, với khoảng 55 ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày - thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 5, Bộ Y tế Philippines cho biết họ đã ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc mới với 82 trường hợp tử vong trong 3 tháng đầu năm 2024. 1/3 số trường hợp ở độ tuổi từ 15 - 24 và 46% là từ 25 – 34 tuổi.

Cơ quan này ước tính có gần 130.000 người sống chung với HIV ở Philippines, một quốc gia có dân số 110 triệu người.

HIV là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, trừ một vài trường hợp đặc biệt trên thế giới. Khoảng 64% những người nhiễm HIV tại Philippines đang điều trị bằng thuốc kháng virus, giúp giảm tải lượng virus đến mức không thể phát hiện được, giúp họ có cuộc sống bình thường và kéo dài tuổi thọ.

Trong khi tổng số ca nhiễm HIV trên toàn khu vực giảm 14% từ năm 2010 đến năm 2022, Philippines lại báo cáo số ca nhiễm HIV hàng năm tăng đột biến 237% trong giai đoạn 2010 - 2020, khiến nước này trở thành quốc gia có số ca nhiễm tăng nhanh nhất ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc Bộ Y tế Philippines cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí thông qua các trung tâm điều trị, các phòng khám tình nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp không gian an toàn cho những người có nguy cơ cao, đặc biệt là các thành viên của cộng đồng LGBTQ+ (cộng đồng người có xu hướng tính dục khác với dị tính).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính phủ và cộng đồng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin và điều trị bệnh trên diện rộng nhằm giảm thiểu tỉ lệ lây nhiễm HIV.

Theo phụ nữ TPHCM