Các nhà nghiên cứu ở châu Âu phát hiện ra rằng, việc ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có thể khiến những người trên 50 tuổi có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim, trầm cảm, ung thư hoặc tiểu đường.

Nghiên cứu đã xem xét gần 8.000 công nhân viên chức người Anh ở độ tuổi 50, 60 và 70 trong khoảng thời gian trung bình 25 năm và phát hiện ra "thời gian ngủ ngắn có liên quan đến sự khởi phát của bệnh mãn tính và nhiều bệnh".

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng Severine Sabia cho biết, ở tuổi 50, những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính theo thời gian cao hơn 30% so với những người ngủ 7 tiếng.

Ở tuổi 60, những người ngủ 5 giờ hoặc ít hơn có nguy cơ cao hơn 32% và ở tuổi 70 có nguy cơ cao hơn 40%, so với những người ngủ 7 giờ.

"Khi mọi người già đi, thói quen ngủ và cấu trúc giấc ngủ của họ thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên rằng người trên 50 tuổi nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm để giảm bớt những nguy cơ bệnh tật" – nhà nghiên cứu Sabia cho biết.

Dù bạn ở độ tuổi nào, công việc hay hoàn cảnh xuất thân, các chuyên gia về giấc ngủ đều đồng ý rằng ngủ đủ giấc là điều quan trọng - và ngược lại, lo lắng quá nhiều về giấc ngủ của bạn có thể phản tác dụng.

Neil Stanley - Chuyên gia tư vấn về giấc ngủ và tác giả của cuốn sách "Làm thế nào để ngủ ngon" cho hay: "Giấc ngủ ngon là điều cần thiết đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng bởi não bộ của chúng ta cần phải bước vào giai đoạn phục hồi, sâu. Giấc ngủ hỗ trợ các quá trình nhận thức như củng cố trí nhớ, giải quyết vấn đề và loại bỏ các độc tố có thể dẫn đến bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ".

Người trên 50 tuổi ngủ ít hơn 5 giờ/đêm bị tăng nguy cơ bệnh tật - Ảnh 1.

Việc ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có thể khiến những người trên 50 tuổi có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim, trầm cảm, ung thư hoặc tiểu đường.

Tác giả nghiên cứu Sabia khuyên rằng, việc vệ sinh giấc ngủ tốt có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn. Những thói quen như vậy có thể bao gồm đảm bảo phòng ngủ của bạn yên tĩnh, tối và nhiệt độ thoải mái, loại bỏ các thiết bị điện tử và tránh các bữa ăn nhiều calo trước khi ngủ.

"Hoạt động thể chất và tiếp xúc với ánh sáng trong ngày cũng có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon" – nhà nghiên cứu Sabia cho biết thêm.

Đối với những người đau dạ dày và những người khó ngủ gật, chuyên gia Stanley đưa ra lời khuyên rằng không nên "phức tạp hóa" mọi thứ quá nhiều. Theo đó, chỉ cần một căn phòng yên tĩnh và một "tâm trí yên tĩnh" có thể giúp bạn ngủ ngon.

"Hãy đặt những lo lắng và bận tâm của bạn ngoài giường trước khi bạn bắt đầu ngủ" – chuyên gia Stanley khẳng định.

Theo suckhoedoisong.vn