Xu hướng ăn chay trong các gia đình Việt

Nhiều thống kê cho thấy chế độ ăn chay tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, số liệu trên báo Người Lao Động cho thấy, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10% dân số thường xuyên ăn chay.

Ăn chay ngày nay không còn giới hạn trong tôn giáo hay với những người giảm béo, chữa bệnh mà đã trở thành xu hướng của thời đại, được nhiều gia đình ưa chuộng.

Chị Phạm Linh (42 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu) chia sẻ, chị đã duy trì thói quen ăn chay được hơn 3 năm nay.

“Chị bị suy thận giai đoạn 5 phải chạy thận. Qua tìm hiểu chị biết được chế độ không thịt tốt hơn cho người chạy thận. Sau đó ăn chay lâu dài chị hiểu được ăn chay tốt cho sức khỏe nên hạn chế luôn việc ăn thịt. Ngoài ra chị tìm hiểu thêm về phật giáo và chị thấy mình may mắn vì hiểu đúng lúc và ăn chay đúng lúc”, chị Linh nói.

Không những thế ăn chay ở Việt Nam còn được coi như một phần của văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong những ngày lễ tôn giáo, ngày rằm tháng bảy. Do đó việc ăn chay cũng được nhiều người lựa chọn như một cách tiếp nối truyền thống của gia đình.

Như trường hợp của chị Nguyễn Anh (39 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) ăn thuần chay từ lúc 6 tuổi do thói quen của gia đình.

Một nguyên nhân khác khiến chế độ ăn chay trở nên phổ biến trong các gia đình Việt Nam là do các thực phẩm chay ngày càng đa dạng hơn. Không chỉ giới hạn ở rau củ và đậu hũ như trước đây mà còn có nhiều thực vật tươi, ngon hấp dẫn.

Empty

Ăn chay có dễ dàng?

Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn chay đem lại những tác động tích cực tới con người, môi trường và xã hội. Do đó, dù theo chế độ ăn chay nào, chỉ cần thực hiện đúng cách sẽ tạo những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, theo đuổi chế độ ăn chay bền vững không phải điều dễ dàng.

Khi lựa chọn ăn chay, người ăn cần cắt bỏ hẳn một nhóm thức ăn quen thuộc ra khỏi khẩu phần hàng ngày. Việc làm này không hề dễ dàng đặc biệt khi các thành viên khác trong gia đình vẫn theo chế độ ăn bình thường.

Empty

Ăn chay đồng nghĩa với việc phải từ bỏ thói quen thức ăn thông thường (Ảnh minh họa)

Chú Chung (57 tuổi, Tuyên Quang) là một người ăn thuần chay từ năm 2006 chia sẻ: “Lúc bắt đầu chuyển sang ăn chay, nhìn mọi người xung quanh ăn thịt, cá… tất nhiên là thấy thèm, muốn được ăn thịt. Nhưng để tốt cho sức khỏe của mình, chú phải cố nhịn, sau ăn chay lâu thì cảm giác thèm ăn thịt cũng không còn nữa.”

Phản ứng từ những người xung quanh cũng là một rào cản với nhiều người khi bắt đầu ăn chay.

Cô Thanh Tuyết (58 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Khi mới bắt đầu ăn chay cô gặp khó khăn vì người thân, bạn bè của cô không ủng hộ. Nhưng cô vẫn quyết tâm đi theo con đường mình chọn rồi từ từ mọi người dần ủng hộ và nấu ăn cho mình.”

Tuy nhiên, những buổi gặp mặt bạn bè cũng phần nào khiến người theo đuổi chế độ ăn chay bền vững phải băn khoăn. Bởi lẽ, không phải ai cũng ăn chay, vậy nên việc tụ họp, ăn uống cùng bạn bè cũng bị ảnh hưởng.

“Chú sống ở quê, nên việc ăn chay vẫn chưa phổ biến. Bạn bè, họ hàng của chú vẫn ăn thịt, vậy nên mỗi lần hội họp ăn uống chú ngại đi. Mọi người đều ăn thịt, uống rượu mà chú thì không chạm vào những thứ đấy. Mà nếu mình đến, người ta lại phải nấu thêm vài món chay riêng cho mình thì cũng phiền người ta”, chú Chung nói.

Vai trò của gia đình trong hành trình ăn chay

Dù lựa chọn ăn theo hình thức nào cũng sẽ có những khó khăn và thuận lợi riêng. Đối với nhu cầu ăn chay, mỗi gia đình, cá nhân đều có cách riêng để đưa ra sự lựa chọn về nguyên liệu và cách thức chuẩn bị các bữa ăn.

Chị Nguyễn Anh chia sẻ: “Hồi ở quê đa phần mẹ nấu ăn, khi lên thành phố học thì ăn tiệm hoặc tự nấu, mà ăn đơn giản lắm chỉ cần có rau xào, rau luộc… là được. Do cơ thể quen nên bữa ăn chị không cầu kỳ”.

Empty

Nguyên liệu nấu món chay là những loại rau, củ quen thuộc (Ảnh: Hà Anh)

Nhiều người đồng quan điểm khi cho rằng ăn chay là để cơ thể cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Ăn chay càng đơn giản thì càng tốt nên đa phần là tự nấu tại nhà những món cơ bản chế biến từ rau củ quả, đậu phụ, các loại hạt…

Bên cạnh những bữa cơm đơn giản hàng ngày, vào những dịp lễ, tết nhiều gia đình ăn chay chuẩn bị các món ăn cầu kỳ để bữa ăn trở nên phong phú hơn.

Chú Chung cho biết các món ăn hàng ngày làm rất đơn giản nhưng ngày lễ, tết vợ chú sẽ tự làm thêm 1 số món cầu kỳ hơn như giò, chả, nem chay…

“Việc ăn uống như thế nào, cầu kỳ hay phức tạp đều được, quan trọng là cảm giác vui vẻ khi ăn. Với chú, bữa ăn với cơm canh rau cỏ bình thường nhưng được vợ, con tự tay nấu cho là vui rồi", chú Chung cho hay.

Theo chia sẻ của nhiều người, để món ăn chay không nhàm chán họ thường học theo các video hướng dẫn trên mạng xã hội hay tham gia các hội nhóm để trao đổi, chia sẻ kiến thức.

“Mình tham gia rất nhiều hội nhóm để tìm hiểu về việc ăn chay và chia sẻ kinh nghiệm ăn chay với mọi người”, chị Phạm Linh cho biết.

Cô Thanh Tuyết cũng chia sẻ rằng cô rất hay hoạt động trên các hội nhóm ăn chay để học hỏi thêm các món ăn mới từ các thành viên khác, ngoài ra còn hay nấu theo các video hướng dẫn trên Youtube.

Empty

Bữa cơm chay do chị Phạm Linh chuẩn bị để tránh nhàm chán (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Việc ăn như thế nào, theo chế độ nào là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên dù lựa chọn hình thức nào, cũng cần đảm bảo được sức khoẻ của bản thân. Bên cạnh đó, nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè cũng sẽ là nguồn động lực để mỗi người kiên trì với lựa chọn ăn uống.

Theo giadinhonline.vn