Người Việt thờ ơ với dấu hiệu ung thư dạ dày
Cập nhật lúc 13:41, Thứ năm, 17/09/2020 (GMT+7)
Bị viêm dạ dày nhiều năm, bà Hòa, 55 tuổi ở Hải Dương, chỉ mua thuốc tự uống. Khi đau quá đến viện nội soi, bà phát hiện ung thư bắt đầu di căn.
Ảnh minh hoạ
Trước khi nhập viện, bà thấy bệnh tình ngày càng nặng, nôn mửa không ăn uống được, gầy sút cân. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân được nội soi dạ dày, sinh thiết. Bác sĩ kết luận bà bị ung thư biểu mô dạ dày giai đoạn muộn, ung thư đã xâm lấn ra ngoài thành dạ dày và phát triển nhiều hạch, di căn.
Đây chỉ là một trong vô số các bệnh nhân đến viện phát hiện ung thư giai đoạn muộn mà tiến sĩ Đặng Quốc Ái, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dẫn chứng. Các bệnh nhân trải qua một khoảng thời gian dài có biểu hiện triệu chứng nhưng không đến cơ sở y tế khám để phát hiện sớm ung thư dạ dày.
"Việc chẩn đoán không khó, chỉ là nội soi và sinh thiết tổn thương. Song, hầu hết người ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, đã có biến chứng, khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp", bác sĩ nói trong một cuộc họp ngày 16/9.
Ung thư dạ dày được chia làm hai giai đoạn: sớm và tiến triển. Biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm không rõ, giống như trong viêm viêm loét dạ dày: chán ăn, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, đau nóng rát hoặc căng tức vùng thượng vị, cảm giác ầm ạch khó tiêu và ăn nhanh no.
Giai đoạn bệnh tiến triển, các triệu chứng biểu hiện rầm rộ hơn: gầy sút cân, đau vùng thượng vị liên tục, nôn mửa và có khi nôn ra máu, đai tiện phân đen, thiếu máu với biểu hiện da niêm mạc nhợt và số lượng hồng cầu giảm qua xét nghiệm.
Với ung thư dạ dày, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố tiên quyết cho việc điều trị đạt hiệu quả tối đa. Nếu bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm sẽ có nhiều lựa chọn cho phương pháp điều trị, bệnh nhân có thể chỉ cần tiến hành nội soi dạ dày và cắt hớt niêm mạc mà không cần phẫu thuật.
Ở giai đoạn tiến triển, nếu còn khản năng phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ phải mổ cắt dạ dày và vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau phẫu thuật tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể được điều trị bổ trợ bằng hoá chất. Và đối với những bệnh nhân không còn khản năng phẫu thuật triệt căn nữa thì chỉ được phẫu thuật điều trị triệu chứng và chăm sóc giảm nhẹ, với kết quả điều trị không có gì là khả quan.
"Phát hiện bệnh sớm hay muộn là yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư cao hay thấp", bác sĩ Đặng Quốc Ái khẳng định và dẫn chứng một số kết quả nghiên cứu.
Tỷ lệ sống 5 năm sau mổ với ung thư dạ dày giai đoạn sớm khoảng 70-85% đối với các trường hợp có di căn hạch và 90-95% nếu không có di căn hạch. Ngay cả khi khối u đã ăn ra hết các lớp dạ dày mà vẫn còn phẫu thuật triệt căn được thì tỷ lệ sống thêm sau mổ một năm là 92%, thêm 5 năm là 47%.
Điều trị hóa chất sau mổ cũng giúp kéo dài thời gian sống, tăng tỷ lệ sống.
Theo WHO, mỗi năm Việt Nam ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất thấp, dẫn đến số người được điều trị khỏi thấp hơn nhiều so với các nước khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Bác sĩ khuyên, người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày, tiền sử gia đình có người ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày, có các biểu hiện đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn... thì cần đến các cơ sở khám chữa bệnh có nội soi dạ dày để kiểm tra. Người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ đặc biệt những người cao tuổi, trong đó có khám tầm soát ung thư sớm.
Theo vnexpress