Nguy cơ chết sớm hơn ở những người bị cô lập xã hội và những người cô đơn
Cập nhật lúc 19:19, Thứ sáu, 23/06/2023 (GMT+7)
Những người cô đơn hoặc bị cô lập về mặt xã hội có nguy cơ chết sớm. Đây là kết quả một nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí Nature Human Behaviour.
Cô lập xã hội làm tăng nguy cơ chết sớm lên 32% và sự cô đơn làm tăng nguy cơ chết sớm lên 14%. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu tổng hợp của hơn 2 triệu người trưởng thành từ 90 nghiên cứu trước đó được công bố từ năm 1986 đến năm 2022.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có mối liên quan giữa sự cô lập xã hội, cô đơn, ung thư, các vấn đề về tim và tử vong.
Sự cô lập xã hội làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư lên 24%, và tử vong do các vấn đề tim lên 34%. Cô đơn làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư lên 9%.
Mặt khác, những người có vấn đề về tim tăng 28% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào (kể cả các nguyên nhân ngoài bệnh tim) nếu họ bị cô lập về mặt xã hội và tăng 51% nguy cơ tử vong do ung thư vú.
Những người bị ung thư vú có nguy cơ tử vong cao hơn 33% do nguyên nhân liên quan đến ung thư nếu họ bị cô lập về mặt xã hội.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Điều cần thiết là cải thiện tình trạng quan hệ xã hội của những người mắc bệnh ung thư, đặc biệt là những người mắc bệnh ung thư vú, để kéo dài thời gian sống cho họ".
Theo các nhà khoa học, sự cô lập xã hội được định nghĩa là thiếu (hoặc hạn chế) tiếp xúc xã hội với những người khác, chẳng hạn như có một mạng lưới xã hội nhỏ, các mối quan hệ xã hội không thường xuyên hoặc sống một mình. Cô đơn được định nghĩa là cảm thấy stress do có ít mối quan hệ xã hội hơn mong muốn. Sự cô lập xã hội được coi là có tính chất khách quan, với việc xem xét số lượng cụ thể mối quan hệ, trong khi sự cô đơn có tính chất chủ quan với việc đo lường bằng bản thân cảm nhận về các mối quan hệ của chính mình.
Những người cô đơn hoặc bị cô lập về mặt xã hội có nguy cơ chết sớm cao hơn đáng kể.
Các nhà khoa học cho rằng có 4 yếu tố nguy cơ chính liên quan đến sự cô lập xã hội, cô đơn và nguy cơ tử vong:
- Thay đổi nồng độ cortisol (hormone gây stress), gây ảnh hưởng đến nồng độ glucose, quá trình chuyển hóa, đáp ứng viêm, hệ sinh sản và hệ tim mạch.
- Tác động đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống sau này như trầm cảm và suy giảm nhận thức.
- Các hành vi có hại như hút thuốc, uống rượu, ăn uống thiếu chất và ít tập thể dục.
- Ít có cơ hội được chăm sóc sức khỏe định kỳ hoặc cấp cứu do mạng lưới xã hội nhỏ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học y Harbin (Trung Quốc) kết luận rằng: "Việc tập trung nhiều hơn vào sự cô lập xã hội và sự cô đơn có thể giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tử vong của mọi người ".
Theo suckhoedoisong.vn