leftcenterrightdel
Tiếp xúc nhiều ánh sáng vào ban đêm có thể đem lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe và tuổi thọ - Minh họa AI: ANH THƯ 

 

Viết trên tạp chí khoa học PNAS, một nhóm nghiên cứu từ Úc và Mỹ cảnh báo rằng nguy cơ tử vong sớm có thể tăng từ 21% – 34% ở những người tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng ban đêm.

Kết quả này được đưa ra sau cuộc phân tích 13 triệu giờ dữ liệu, được thu thập từ 89.000 tình nguyện viên thông qua một cảm biến ánh sáng mà họ được yêu cầu mang.

Các tình nguyện viên cũng được theo dõi trong vòng 8 năm và ghi nhận các trường hợp tử vong.

Trái lại với ánh sáng ban đêm, việc tiếp xúc với nhiều ánh sáng ban ngày lại giúp giảm được nguy cơ tử vong sớm 17% - 34%.

GS Sean Cain, chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Flinders (Úc), đồng tác giả chính, giải thích rằng việc tiếp xúc với đêm sáng hơn và ngày tối hơn có thể phá vỡ nhịp sinh học của chúng ta.

"Sự phá vỡ này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch, các vấn đề về sức khỏe tâm thần... và làm tăng nguy cơ tử vong" - tờ SciTech Daily dẫn lờn GS Cain.

PGS Andrew Phillips từ Đại học Flinders, đồng tác giả chính, cho biết việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm có thể làm gián đoạn nhịp sinh học bằng cách thay đổi thời gian và làm suy yếu tín hiệu của "máy tạo nhịp" trung tâm điều phối nhịp sinh học trên khắp cơ thể.

Trước đó, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra tác hại của các kiểu chiếu sáng "trái giờ" khác nhau lên giấc ngủ cũng như nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác nhau.

Bên cạnh đó, ánh sáng gây hại không chỉ đến từ việc bạn thức quá khuya với các thiết bị điện tử để làm việc, giải trí, mà còn là sự nhiễu sáng nơi phòng ngủ của bạn.

Các biện pháp đơn giản có thể giúp bạn đẩy lùi những nguy cơ nói trên, ví dụ đừng quên tắt đèn - bao gồm đèn ngủ - trước khi ngủ hay chọn rèm cửa đủ dày nếu bạn sống ở các thành phố lớn, ánh sáng mạnh có thể hắt qua cửa sổ.

Theo nld