Đường tiết niệu là cơ quan thải những chất lỏng dư thừa ra bên ngoài. Để đi tiểu bình thường, tất cả các bộ phận trong đường tiết niệu cần phải hoạt động cùng nhau và theo đúng trình tự.
Có 2 bệnh lý thường gặp liên quan đến đường tiết niệu đó là: sỏi tiết niệu và viêm đường tiết niệu. Vào mùa hè, bệnh có xu hướng gia tăng do những thói quen trong cuộc sống hàng ngày.
Vậy bệnh sỏi tiết niệu là gì? Viêm đường tiết niệu là bệnh như thế nào? Hai bệnh này có nguy hiểm không?
1. Bệnh sỏi tiết niệu
Trong hệ tiết niệu có 4 bộ phận đó là thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Khi sỏi xuất hiện ở một trong bốn phận trên sẽ được gọi là sỏi tiết niệu. Trong nước tiểu có các khoáng chất, axit uric, muối - các chất này kết tinh với nhau tạo thành các viên sỏi.
Có khoảng 80% sỏi được cấu tạo từ canxi oxalat hoặc photphat. Các loại sỏi khác bao gồm sỏi axit uric (9%), struvite (10%), và cystine (1%). Tỷ lệ tái phát của sỏi tiết niệu tương đối cao.
1.1. Nguyên nhân gây ra tình trạng sỏi tiết niệu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi tiết niệu, bao gồm cả những thói quen phổ biến vào mùa hè, có thể kể đến một số lý do sau:
Nguyên nhân khách quan
- Di truyền, có thể từ người thân trong gia đình hoặc gen từ anh em, họ hàng.
- Có các bệnh lý về thận hoặc tiết niệu như bệnh thận móng ngựa, hẹp niệu quản, thận mãn tính
- Mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, béo phì, nội tiết và khối u ác tính cũng làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.
Béo phì, tăng lipid máu và đái tháo đường týp 2 có mối liên hệ chặt chẽ với sỏi canxi oxalat và axit uric. Bệnh nhân có tiền sử tăng lipid máu, tăng huyết áp và đái tháo đường týp 2 thường có chế độ ăn nhiều protein, muối và đường có nguồn gốc động vật, khiến họ có nguy cơ hình thành sỏi cao hơn.
- Do thuốc men, tuy nhiên hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2% tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu.
Nguyên nhân chủ quan
- Ăn nhiều protein có nguồn gốc động vật, ăn nhiều oxalat (có trong các loại thực phẩm như đậu, bia, quả mọng, cà phê, sô cô la, một số loại hạt, một số loại trà, soda, rau bina, khoai tây), và ăn nhiều muối.
- Uống ít nước làm cho nước tiểu bị cô đặc, giảm khả năng hoà tan các chất độc trong cơ thể, từ đó các tinh thể trong nước tiểu dễ lắng động và kết tinh tạo thành sỏi.
- Đi tiểu ít, nhịn tiểu sẽ làm bàng quang mất cân bằng, quá tải lâu dần sẽ dẫn tới sỏi thận. Nguy hiểm hơn, nhịn tiểu còn gây ra một số bệnh lý khác như tiểu không kiểm soát, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận...
- Lượng canxi thấp cũng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Việc giảm lượng canxi qua đường uống sẽ làm giảm nồng độ canxi trong đường tiêu hóa. Điều này sẽ làm tăng hấp thu và bài tiết oxalat, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
- Lượng vitamin C và dầu cá cũng được chứng minh là làm tăng nguy cơ tạo sỏi canxi
- Làm việc trong môi trường nắng nóng cũng dễ mắc sỏi tiết niệu hơn thông thường. Vì cơ thể lúc này dễ mất nước, ra mồ hôi làm giảm sự bài tiết qua thận, tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
1.2. Triệu chứng khi bị sỏi tiết niệu là gì?
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh sỏi tiết niệu, bao gồm: Đau bụng, hạ sườn quặn từng cơn một cách thường xuyên, đi tiểu ra máu, buồn nôn, nôn và sốt, đi tiểu thường xuyên hơn, nước tiểu đục hoặc sẫm màu bất thường
Sỏi tiết niệu có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu như không can thiệp và điều trị kịp thời như: Suy thận cấp thứ phát, nhiễm trùng đường tiết niệu, vô niệu, nhiễm trùng huyết, tiểu rắt, tiểu són, rối loạn tiểu tiện...
Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh tiết niệu thì nam giới không nên chủ quan, nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác, điều trị sớm sẽ giúp phục hồi nhanh chóng, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
2. Viêm đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu, là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Phụ nữ có khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn, nhưng đàn ông dễ mắc phải.
2.1. Nguyên nhân viêm đường tiết niệu
Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm đường tiết niệu:
- Nhiễm khuẩn, 80% trường hợp viêm đường tiết niệu ở nam giới liên quan đến E.Coli. 20% còn lại được gây ra bởi các tác nhân khác như: nấm, proteus, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn.
- Mắc một số bệnh lý như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, tiểu đường...
- Dương vật bị chấn thương
- Vệ sinh không đúng cách
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Lười uống nước, nhịn đi tiểu cũng sẽ làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu
2.2. Triệu chứng khi bị viêm đường tiết niệu?
Thông thường khi bị viêm đường tiết niệu, các bạn sẽ gặp một số triệu chứng điển hình như: nóng rát khi đi tiểu, tăng tần suất đi tiểu mà không đi tiểu nhiều, nước tiểu có máu, màu đục, có thể trông giống như cola hoặc trà, có mùi nặng, đau trực tràng.
Viêm đường tiết niệu cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không can thiệp kịp thời như: sốt, đau sườn, nôn mửa, đi tiểu rát, mệt mỏi, ớn lạnh, thay đổi tinh thần. Nguy hiểm hơn sẽ gây nhiễm trùng huyết, giảm chức năng sinh lý, vô sinh hiếm muộn.
3. Cách phòng ngừa bệnh tiết niệu, nhất là vào mùa hè
Các bệnh tiết niệu có thể phòng tránh bằng các cách xây dựng lối sống khoa học, chế độ ăn uống điều độ. Một số lời khuyên từ chuyên gia để ngăn ngừa các bệnh tiết niệu như:
- Uống đủ nước, các chuyên gia khuyến khích, mỗi ngày nên tạo ra khoảng 2,5 L nước tiểu. Có thể lựa chọn thêm một số đồ uống khác như cà phê, trà, bia và nước ép trái cây ít đường. Tuy nhiên không nên ăn uống nhiều cà chua (hàm lượng natri cao), bưởi và nam việt quất (hàm lượng oxalat cao) sẽ gây sỏi.
- Không nên nhịn tiểu, nhiều bác sĩ tiết niệu khuyên rằng nên đi tiểu ít nhất một lần trong vòng 3 giờ. Tuy nhiên, cũng tuỳ thuộc vào tình trạng buồn tiểu lúc đó.
- Tránh thức ăn, đồ uống có nhiều oxalat nếu như có tiền sử sỏi canxi. Bổ sung thêm nhiều rau xanh, hoa quả có hàm lượng đường thấp...
- Lối sống lành mạnh, bao gồm giảm cân nếu thừa cân, béo phì và một chế độ ăn cân bằng ít muối
- Bổ sung axit citric (nước chanh, nước cam, nước dưa) - đây là chất có lợi trong việc ngăn ngừa sỏi
- Xây dựng chế độ ăn uống có lượng canxi cao hơn (sữa, đậu phụ, nước cam, hạnh nhân), giúp làm giảm nguy cơ hình thành sỏi. Lý do vì canxi sẽ liên kết với oxalat trong ruột, làm giảm lượng oxalat trong nước tiểu để kết tủa thành sỏi.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt nên mặc quần rộng rãi.
Có thể nói rằng, vào mùa hè bệnh tiết niệu ở nam giới có xu hướng tăng cao do nhiều thói quen như uống ít nước, nhịn tiểu, làm việc trong môi trường nóng làm đổ mồ hôi, ... Vì vậy, cần xây dựng lối sống, ăn uống điều độ, khoa học.
Nguồn tham khảo:
- Urolithiasis
- Urinary Tract Infections
Vân Anh