Bệnh nhân là B.T.M (57 tuổi, trú tại TX Yên Than, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) 3 tuần trước xuất hiện đau nhức, đỏ, nhìn mờ. Bệnh nhân điều trị tại địa phương nhưng tình trạng bệnh không đỡ và có xu hướng nặng hơn. Sau đó, bệnh nhân đến Phòng khám mắt, Bệnh viện Bãi Cháy để thăm khám.
Tại đây, bác sĩ chuyên khoa mắt đã tiến hành thăm khám cho bệnh nhân, phát hiện tình trạng mắt phải sưng nề, co quặp, khó mở, kết mạc cương tụ, giác mạc có ổ loét kích thước 2x2mm cạnh rìa vị trí 4-5h, mống mắt phòi kẹt vào vị trí lỗ thủng giác mạc, đồng tử méo, phản xạ ánh sáng yếu.
Hình ảnh bệnh nhân bị viêm giác mạc. (Ảnh BVCC)
Bệnh nhân được chẩn đoán loét thủng giác mạc mắt phải, chỉ định nhập viện điều trị. Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực bằng kháng sinh, giảm đau, giãn đồng tử và dinh dưỡng mắt.
ThS.BS Hoàng Thị Luyến - Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: "Bệnh nhân B.T.M đến khám khi giác mạc đã bị viêm loét thủng nặng nề khiến việc điều trị rất khó khăn. Hiện tại tình trạng viêm có giảm, ổ loét được tổ chức mống mắt bít lại tuy nhiên, nguy cơ giảm thị lực và có thể giữ được mắt phải cho người bệnh hay không thì phải tích cực theo dõi, điều trị lâu dài".
Viêm loét giác mạc là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, amip, virus. Ngoài ra còn do biến chứng của các bệnh lý khác như lông quặm, hở mi do liệt dây VII, chấn thương mắt có tổn thương giác mạc, đeo kính áp tròng không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh… Việc thăm khám sức khỏe mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện, xác định đúng nguyên nhân, điều trị kịp thời viêm loét giác mạc sẽ giúp người dân tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Luyến cũng cho rằng, đối với các trường hợp viêm loét giác mạc khi điều trị khỏi đều để lại di chứng sẹo trên giác mạc, giảm thị lực do chức năng quang học bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp nặng ổ loét lan rộng dẫn đến biến chứng loét thủng giác mạc, nhãn viêm giao cảm, viêm mủ nội nhãn, phòi tổ chức nội nhãn thì nguy cơ phải bỏ mắt rất cao. Ghép giác mạc được chỉ định khi viêm loét được điều trị ổn định và tạo sẹo giác mạc.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt cũng khuyến cáo, khi xuất hiện các dấu hiệu của viêm loét giác mạc như mi sưng nề, kết mạc cương tụ, mắt bị đỏ, cộm chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, lòng đen có ổ loét trắng, khó mở mắt, thị lực giảm… người bệnh cần đến cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm để thăm khám.
Đồng thời, để phòng bệnh, người bệnh cần thường xuyên vệ sinh đôi mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý, đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, nguy cơ chấn thương mắt; hạn chế làm việc liên tục trong môi trường máy tính, điện thoại để tránh làm mắt bị khô, giảm sức đề kháng với yếu tố gây bệnh. Xây dựng chế độ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tập luyện thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể và đôi mắt.
Theo suckhoedoisong.vn