Nghiện internet là gì ?

Theo Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nghiện internet được xếp vào nghiện hành vi, với 5 nhóm:

Thứ nhất là nghiện tình dục trên mạng. Điều này xảy ra ở những cá nhân thường tham gia xem, tải xuống và buôn bán nội dung khiêu dâm trực tuyến hoặc tham gia vào các phòng trò chuyện nhập vai giả tưởng dành cho người lớn.

Thứ hai là nghiện quan hệ trên mạng. Điều này xảy ra ở những người tham gia quá nhiều vào các mối quan hệ trực tuyến hoặc ngoại tình ảo. Các mối quan hệ trên mạng trở nên quan trọng hơn các mối quan hệ ngoài đời thực, có thể dẫn đến bất hòa trong hôn nhân, gia đình bất ổn.

Thứ ba là nghiện cờ bạc trực tuyến, mua sắm hoặc giao dịch chứng khoán… đến mức có thể dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể, cũng như sự gián đoạn trong quan hệ và công việc.

Nguy cơ rối loạn tâm thần do nghiện internet - Ảnh 1.

Gia đình cần tạo cho trẻ môi trường được vui chơi, giải trí khác ngoài internet và game

Shutterstock

Thứ tư là quá tải thông tin, nghĩa là tạo ra một loại hành vi bắt buộc mới liên quan đến việc lướt web và tìm kiếm dữ liệu quá mức. Những cá nhân này dành một lượng thời gian không cân xứng để tìm kiếm, thu thập và tổ chức thông tin.

Thứ năm là nghiện game. Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game gây suy giảm về kết quả học tập và hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game...

Theo Viện Sức khỏe tâm thần, nghiện internet ngày càng phổ biến. Đây là một rối loạn hành vi và có thể dẫn đến những rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc.

Nhập viện tâm thần vì chơi game 12 tiếng mỗi ngày

Chia sẻ tại tọa đàm truyền thông do Viện Sức khỏe tâm thần tổ chức tại Hà Nội, các bác sĩ (BS) thông tin về các trường hợp đang được điều trị nghiện internet. Trong số đó có một nam bệnh nhân (BN) 21 tuổi, được người nhà đưa đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần.

BN vốn là sinh viên khoa công nghệ sinh học của một trường đại học và bắt đầu chơi game online nhiều từ khi còn học lớp 7. Ban đầu chỉ là được bạn bè rủ chơi cùng, sau đó BN thấy thích thú vì giúp giải tỏa căng thẳng học tập và có nhiều bạn bè hơn. Dần dần BN chơi cả ngày lẫn đêm. Thời gian mỗi ngày chơi game của BN là từ 10 - 12 tiếng. Vào những ngày nghỉ học, BN thậm chí còn dành nhiều thời gian để chơi hơn, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống qua loa với mì gói, nước tăng lực…

Mẹ BN nhiều lần khuyên bảo và tắt máy tính; BN thường cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí có lúc đánh cả mẹ khi bị ngăn cản. BN không còn thích thú với những sở thích của bản thân như đá bóng, trò chuyện với bạn bè, chỉ tập trung chơi game khiến kết quả học tập dần sa sút.

Từ khi thi đỗ đại học, BN chuyển lên ở trọ cùng các bạn nên mẹ không còn theo dõi được như trước. Các biểu hiện bất thường của BN được giáo viên ở trường quan sát và chú ý nên báo cho gia đình. Trước đó, BN từng được mẹ đưa đi điều trị 2 đợt ở một bệnh viện nhưng bệnh thuyên giảm ít, một đợt kéo dài 6 tháng và một đợt 3 tháng. Cuối cùng, BN đã bỏ học.

Ở lần điều trị thứ ba hồi đầu năm nay, BN được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần. 2 tuần trước nhập viện, BN bị mẹ thu máy tính nên luôn trong tình trạng bứt rứt, bồn chồn, cáu gắt, xung đột, ăn ngủ kém, chỉ ngủ 3 - 4 tiếng mỗi đêm, cảm xúc không ổn định. BN chỉ thôi thúc việc được sử dụng máy tính.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, qua thăm khám và hỏi bệnh, các BS phát hiện BN có các triệu chứng và hội chứng nghiện game online, có rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ. BN được điều trị thuốc, tư vấn tâm lý.

Sau hơn 2 tuần điều trị, BN tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm xúc và hành vi ổn định hơn, không còn cáu gắt, thời gian dùng điện thoại, máy tính dưới 2 tiếng/ngày, tích cực tập thể dục thể thao, nói chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn, cải thiện mối quan hệ với mẹ và có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn. BN xuất viện về nhà duy trì thuốc và tái khám theo hẹn.

Ngăn ngừa bằng cách nào?

Theo BS Bùi Nguyễn Bảo Ngọc, Khoa Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe tâm thần, nghiện internet, trong đó có nghiện game, cần được các gia đình chủ động ngăn ngừa, bằng cách kiểm soát thời gian sử dụng của con, mục đích sử dụng, và đặc biệt cần tạo cho trẻ môi trường được vui chơi, giải trí khác ngoài internet và game.

BS Ngọc lưu ý: Các rối loạn này đều có nguy cơ tái phát vì tính chất gây hứng thú, khơi gợi niềm vui, cảm giác giải trí, có tác động não bộ như ở người sử dụng chất. Do đó, sau điều trị, cần có trị liệu, chống tái nghiện bằng cách đưa ra khoảng thời gian sử dụng internet: ngày nghỉ không quá 2 tiếng và ngày thường không quá 1 tiếng. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là mục đích sử dụng.

Các BS cũng chia sẻ: Để tránh cho con khỏi nghiện internet, nghiện game, trước hết cha mẹ, người chăm sóc cần làm gương, vì chính họ khi sử dụng điện thoại quá nhiều cũng khiến các con dễ bắt chước, từ đó sẽ khó khăn hơn trong việc nhắc nhở các con.

"Bố mẹ suốt ngày ôm điện thoại cũng là vấn đề mà các BN nghiện game từng chia sẻ", BS Ngọc cho biết.

Theo Thanh niên