Nguy cơ tự tử có thể tăng cao do ảnh hưởng từ yếu tố gene
Cập nhật lúc 00:30, Thứ ba, 20/12/2022 (GMT+7)
Hóa ra trạng thái tinh thần không phải yếu tố ảnh hưởng duy nhất tới hành vi tự tử của con người.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã cho thấy mối liên hệ duy truyền giữa yếu tố gene với các hành vi tự tử. Nghiên cứu này sẽ giúp ích cho các bác sĩ trong quá trình điều trị tình trạng bệnh tâm lý của con người.
Cụ thể, có 4 loại gene liên quan tới nguy cơ này, bao gồm: ESR1, DRD2, DCC và TRAF3:
Trong đó, ESR1 là một gene nội tiết tố thường có liên quan tới các chẩn đoán về sức khỏe tâm thần như PTSDS và trầm cảm. DRD2 là một loại chất hóa học có liên quan đến cảm giác hưng phấn thường được tìm thấy ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, tăng động giảm chú ý hoặc lạm dụng chất kích thích.
DCC là một khối xây dựng của não, được tìm thấy ở những người tử vong do tự tử và có liên quan đến một số rối loạn hệ thần kinh. TRAF3 là một thụ thể quan trọng để kích hoạt phản ứng miễn dịch và cũng được cho là có liên quan đến hành vi chống đối xã hội cũng như sử dụng chất kích thích.
Mặc dù tỉ lệ tự tử từng giảm vào năm 2020 nhưng với tình hình đại dịch COVID-19 gây ra khó khăn trong kinh tế và bất ổn về dân sự, đến năm 2021, tình trạng tự tử đã tăng trở lại. Đây cũng là lí do khiến các nhà khoa học quyết định nghiên cứu và tìm kiếm cơ sở di truyền về hành vi này.
Nghiên cứu được xem xét và đánh giá thông qua hơn 630.000 người tại Mỹ. Những người tham gia chủ yếu là nam giới châu Âu (71,4%), sau đó là người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và người gốc Á.
Yếu tố gene trên thực tế chỉ có ảnh hưởng nhỏ so với các yếu tố liên quan tới trạng thái tinh thần. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách vận hành của "cơ thể sinh học" khi một người có ý định thực hiện hành vi tự sát. "Khi chúng ta càng biết nhiều, chúng ta càng có khả năng ngăn chặn những cái chết bi thảm này", chủ nhân của nghiên cứu cho biết.
Theo vtv.vn