|
|
Trẻ từ 12 tuổi trở lên cần ngủ 7 – 11 tiếng mỗi ngày. Ảnh:The Star. |
Con bạn ở độ tuổi đi học có cáu kỉnh hoặc thiếu chú ý không? Học hành không tốt, thấp còi có phải vấn đề của con bạn không? Những điều này là lo lắng chung của tất cả phụ huynh. Và nguyên nhân đằng sau có thể chính là trẻ ngủ không đủ giấc, theo NBC News.
Theo bác sĩ Hoi See Tsao, chuyên khoa cấp cứu nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Hasbro, Mỹ, tình trạng thiếu ngủ đang trở thành "dịch bệnh" và ảnh hưởng 1/3 trẻ em trong độ tuổi đi học của nước này. Nó là “vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng và liên quan một số vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần”. Bà nhấn mạnh để khắc phục điều này, chúng ta "cần phải có nhiều nỗ lực".
Tác động đến sự phát triển thể chất và tinh thần
Theo các chuyên gia, khi trẻ thiếu ngủ, những hậu quả gây ra có thể không thể thay đổi được. Nhà tâm lý học về giấc ngủ nhi khoa W. David Brown, Trung tâm Sức khỏe Trẻ em ở Texas, Mỹ, cảnh báo điều này đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết tình trạng thiếu ngủ ở thời thơ ấu có thể thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của bộ não. Điều này có thể ảnh hưởng đến chúng ta trong suốt phần đời còn lại, ông W. David Brown nói. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của việc thiếu ngủ có thể rất lớn.
"Trẻ nhỏ sẽ không thể đạt được tốc độ phát triển như trước đó được nữa trong suốt phần đời còn lại", ông W. David Brown nói thêm. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển thể chất của trẻ. Hậu quả là trẻ thấp còi, kém phát triển, thậm chí không thể đạt chiều cao tối đa.
|
|
Thiếu ngủ có thể khiến trẻ thấp còi, chậm phát triển. Ảnh:Gulf News. |
Mối liên hệ giữa giấc ngủ và béo phì
Một trong những vấn đề đáng quan ngại cho bất kỳ ai đánh giá thấp tầm quan trọng của giấc ngủ đó là bệnh béo phì ở trẻ em. Số trẻ béo phì đã tăng gấp 3 lần ở Mỹ từ những năm 1970.
Theo các chuyên gia về giấc ngủ, giấc ngủ và tăng cân có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những yếu tố khác có thể góp phần gây ra béo phì, như thức ăn nhanh và tập thể dục không đủ, nhưng thiếu ngủ thường là yếu tố chính.
Nguyên nhân là nó ảnh hưởng trực tiếp đến các hormone kiểm soát sự thèm ăn. Thiếu ngủ làm tăng hormone ghrelin và giảm leptin, trẻ sẽ cảm thấy đói hơn, ăn nhiều hơn. Hậu quả là chúng sẽ tăng cân khó kiểm soát, đi kèm nhiều bệnh lý mạn tính không thể chữa khỏi.
Các triệu chứng giống rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD)
Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) là tình trạng đặc trưng bởi giảm tập trung chú ý rõ rệt kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế.
Trong khi đó, triệu chứng trẻ bị ADHD gồm:
Các biểu hiện giảm chú ý:
- Khó duy trì chú ý được lâu so với trẻ cùng tuổi.
- Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài.
- Không cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ, hay gây sai sót.
- Ít tuân theo hướng dẫn, ít hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, bài vở.
- Hay làm mất, bỏ quên đồ dùng, đồ chơi.
- Hay bỏ dở việc này để sang làm việc khác.
- Né tránh, không thích các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tư duy.
- Khó khăn tổ chức hoạt động.
Các biểu hiện tăng hoạt động:
- Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên.
- Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo hoặc rời khỏi chỗ ở nơi cần phải ngồi yên.
- Khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh.
- Nói quá nhiều.
- Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi.
- Khó khăn khi phải chờ đợi.
- Ngắt quãng, chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác.
Thiếu ngủ cũng có thể gây ra các triệu chứng giống tình trạng này như thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh và mất khả năng tập trung.
Nhà giáo dục lâm sàng về giấc ngủ Terry Cralle, tại Washington, cho biết: “Tôi nghĩ nhiều bậc phụ huynh không hiểu điều đó, giáo viên và những người khác cũng vậy. Chúng tôi coi đây là chứng tăng động xảy ra khi trẻ hoàn toàn kiệt sức. Nó ngược lại với những gì bạn nghĩ sẽ xảy ra, nhưng đó thực sự là tình trạng xuất hiện khi trẻ thiếu ngủ".
Đồng quan điểm, phó giáo sư, bác sĩ về giấc ngủ nhi khoa Craig Canapari, Đại học Yale, cũng nhấn mạnh giấc ngủ ngắn hoặc bị gián đoạn sẽ khiến trẻ như đang bị rối loạn tăng động, giảm chú ý. Không chỉ trẻ em, người lớn cũng vậy.
Cũng chính vì thế, nhiều phụ huynh hoặc là bỏ qua các triệu chứng trẻ bị ADHD hoặc là lo lắng thái quá. Nếu nghi ngờ trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để làm các chẩn đoán, kiểm tra.
Ngoài những tác động nói trên, thiếu ngủ cũng góp phần gây lo lắng, trầm cảm và hay quên ở trẻ. Nó còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, trẻ dễ bị cảm lạnh, nhiễm trùng, cao huyết áp hơn.
Theo zingnews