Khi mắc chàm sữa trẻ sẽ ngứa ngáy, khó chịu, phải cào gãi để giảm ngứa… tình trạng này sẽ khiến trẻ khó ngủ, ảnh hưởng đến thể chất của trẻ và có thể nhiễm trùng da nếu trẻ cào gãi quá mức.
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ
Hiện nguyên nhân gây bệnh chàm sữa vẫn chưa được xác định, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng bệnh thường gặp ở trẻ có cơ địa dễ dị ứng. Ngoài ra, bệnh có tính chất gia đình, thường cha mẹ có bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da, dị ứng thời tiết… thì trẻ cũng dễ mắc chàm sữa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bố mẹ bị viêm da cơ địa thì 80% con mắc bệnh lý này và thông thường bệnh chàm sữa ở trẻ sẽ giảm dần khi trẻ trên 1 tuổi.
Các nhà khoa học giải thích rằng, chàm sữa ở trẻ có liên quan đến hai yếu tố, trong đó do cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng các yếu tố bên ngoài như mạt, ve, bọ chét, nấm mốc, bụi… thường có trong chăn, gối, nệm, ga trải giường, thảm hoặc lông chó, lông mèo... cũng có thể gây dị ứng. Ngoài ra, yếu tố liên quan đến những rối loạn về tiêu hóa, thức ăn (sữa, trứng…), cách cho bú, nhiễm khuẩn… cũng có thể gây ra chàm sữa ở trẻ.
Song song với tình trạng dị ứng, các yếu tố khiến bệnh nặng thêm là các dị nguyên như: Thức ăn, không khí, bột giặt, khí hậu nóng, lạnh khô… khiến tình trạng chàm sữa ở trẻ tiến triển.
Chàm sữa là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, thường hay gặp ở trẻ sơ sinh. Ảnh minh hoạ.
Triệu chứng nhận biết chàm sữa ở trẻ
Chàm sữa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, bệnh khởi đầu là những mẩn đỏ ở da. Đặc trưng của chàm sữa là hiện tượng đỏ da ở 2 bên má, kèm theo ngứa da, bong vảy da, mụn nước, nhiều trường hợp còn xuất hiện tình trạng chảy dịch hoặc mụn mủ nếu bội nhiễm.
Tình trạng này thường xuyên tái phát, nhất là khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, tổn thương cơ bản của bệnh là các mụn nước tập trung thành từng đám ở vùng má, trán, cằm, cũng có thể lan ra chân, tay, lưng, bụng. Mụn nước tiến triển qua 5 giai đoạn:
Ở giai đoạn 1: Giai đoạn tấy đỏ khi đó có biểu hiện da trẻ sẽ đỏ, ngứa và có các mụn nhỏ li ti như hạt kê.
Ở giai đoạn 2: Giai đoạn mụn nước xuất hiện trên nền đỏ da, tập trung thành từng đám.
Ở giai đoạn 3: Giai đoạn chảy dịch/xuất tiết là các mụn nước vỡ ra chảy dịch.
Ở giai đoạn 4: Giai đoạn đóng vảy là dịch khô dần và đóng vảy màu vàng nhạt.
Ở giai đoạn 5: Giai đoạn bong vảy là các vảy tiết bong ra, làn da dần dần trở lại trạng thái bình thường.
Thực tế cho thấy khi trẻ mắc bệnh chàm sữa da bị tổn thương sẽ thô ráp và có những vảy nhỏ li ti. Da của trẻ rất khô và căng. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ rất khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém. Điều này khiến trẻ bứt rứt gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa, làm mụn nước vỡ ra, da rớm máu, có khi cả một vùng da bị chảy máu. Nếu không giữ vệ sinh tốt, da trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn, thậm chí bội nhiễm.
Khi trẻ bị chàm sữa, tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, cũng không chữa theo mách bảo, vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị chàm sữa?
Trẻ mắc chàm sữa rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc ăn phải những chất gây dị ứng cho cơ thể, do đó trẻ cần được chăm sóc và điều trị cẩn thận. Trước tiên cha mẹ cần loại bỏ các tác nhân kích thích và làm nặng tình trạng bệnh. Hàng ngày tắm cho trẻ bằng các loại sữa tắm dành cho da chàm, da nhạy cảm. Cần sử dụng các sản phẩm phù hợp để giữ ẩm cho da.
Nếu dưỡng ẩm đầy đủ mà làn da của trẻ không phục hồi, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, chỉ định thuốc để điều trị triệu chứng và hỗ trợ làn da trẻ.
Cách tốt nhất để sử dụng sản phẩm chăm sóc da, thuốc và cách bôi phù hợp, an toàn cho trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, cũng không chữa theo mách bảo, vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Thực tế đã có trường hợp tự ý mua thuốc bôi, trong đó có Corticosteroid khiến trẻ bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da, thậm chí gây suy yếu tuyến thượng thận…
Lời khuyên thầy thuốc
Khi trẻ bị chàm sữa cha mẹ cần cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt, khi trẻ ăn dặm cần trì hoãn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như: Trứng, tôm và đồ biển, thực phẩm lên men, đậu phộng…
Môi trường sống của trẻ cần sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là đệm, chăn, gối, giường của trẻ.
Không nên cho trẻ tắm lâu trong nước xà phòng hay sữa tắm, mà nên tắm bằng nước ấm với các loại sữa tắm phù hợp với làn da của trẻ.
Tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp, nên cho trẻ mặc những loại quần áo mềm, chất liệu cotton tránh làm tổn thương da.
Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, đủ độ ẩm cần thiết, tránh cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo... Tốt nhất là không nên nuôi các loại động vật này khi trẻ mắc bệnh chàm sữa.
Theo suckhoedoisong.vn