1. Thế nào là đầy hơi, chướng bụng?
Đầy hơi là hiện tượng lượng hơi tăng lên trong đường tiêu hóa bởi sự rối loạn chuyển hóa các chất tinh bột hoặc do sự rối loạn tính chất lên men của các vi khuẩn bình thường có ở trong ruột (hệ vi khuẩn của đường ruột bất thường: loạn khuẩn); hoặc do sự sinh hơi của một số vi khuẩn bình thường có trong đường ruột như E.coli, Enterobacter, Citrobacter...
Chướng bụng là tình trạng bụng phình to, căng ra, do ruột đầy hơi bởi lượng hơi trong lòng ruột tăng lên một cách đáng kể do vi khuẩn đường ruột... hoặc rối loạn sự lên men trong đường ruột.
Vì vậy, người bệnh sẽ có cảm giác đầy hơi, bụng chướng khi lượng khí trong đường tiêu hóa tăng lên bất thường.
2. Nguyên nhân gây đầy hơi, chướng bụng
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
- Do ăn nhiều chất tinh bột mà cơ thể không đủ lượng men tiêu hóa (men amilaza…) để chuyển hóa hết chúng.
- Do ăn quá nhanh, nhai không kỹ, nuốt vội vàng làm cho lượng hơi cùng với thức ăn đưa vào dạ dày nhanh quá hoặc khi uống nước có thể nuốt thêm cả hơi vào dạ dày. Từ đó hơi được đưa xuống ruột gây đầy hơi chướng bụng.
- Do ăn nhiều chất béo (thịt, mỡ, thức ăn nhanh…) kèm nhiều gia vị (ớt, tỏi…), chất kích thích (rượu, bia, cà phê, thuốc lá). Bên cạnh đó, có một số thức ăn hay gia vị khi ăn vào dạ dày tạo nên một phản xạ gây co thắt cơ thắt thực quản dưới dễ gây nên đầy bụng và ợ hơi.
- Ăn xong đã vội vàng đi nằm nghỉ ngay cũng có thể gây nên đầy hơi, chướng bụng, sôi bụng.
- Do bệnh của dạ dày (viêm, loét, sa dạ dày…) làm rối loạn chuyển hóa ở dạ dày tạo nhiều hơi bởi thức ăn tồn đọng nhiều ở dạ dày không xuống được ruột (hẹp môn vị dạ dày, viêm loét môn vị…). Cần lưu ý bệnh trào ngược dạ dày - thực quản ngoài đầy hơi, chướng bụng còn gây nóng rát phía sau xương ức, ợ nóng, ợ hơi, ợ ra cả nước trong. Ngoài bệnh dạ dày, thì bệnh viêm đại tràng mãn tính cũng gây đầy hơi chướng bụng.
- Do bị sỏi niệu quản nhất là lúc lên cơn đau do sỏi kích thích vào niêm mạc niệu quản, ngoài đầy hơi chướng bụng còn có thể buồn nôn, nôn…
Cần theo dõi và đi khám ngay nếu hiện tượng đầy hơi, chướng bụng kéo dài.
3. Một số triệu chứng đi kèm đầy hơi, chướng bụng
Tùy theo nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng mà có các triệu chứng đi kèm khác nhau. Nếu do bệnh của dạ dày (viêm, loét, sa dạ dày, hẹp môn vị…) mà có các triệu chứng kèm theo, chẳng hạn:
- Viêm dạ dày thường đau thượng vị khi ăn no với đầy hơi, chướng bụng thì gần như lúc nào cũng có; hoặc hẹp môn vị, u môn vị thì ngoài đầy hơi, chướng bụng thường có buôn nôn, nôn.
- Bụng ấm ách khó chịu vì dịch vị ứ đọng trong dạ dày xuống ít hoặc không xuống được ruột non;
- Hoặc viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích, triệu chứng kèm theo của đầy hơi, chướng bụng, sôi bụng, bụng có cảm giác ấm ách rất khó chịu cộng với đau quặn bụng từng cơn, buồn đi đại tiện…;
- Hoặc với căn bệnh sỏi niệu quản, bên cạnh đầy hơi chướng bụng thường có cơn đau quặn bụng, xuyên ra sau lưng (gọi là cơn đau quặn thận), buồn nôn, nôn…
- Đối với người bệnh tâm thần, thần kinh những triệu chứng đầy hơi, chướng bụng có thể có kèm theo lo âu, thần kinh căng thẳng…
4. Nguyên tắc điều trị triệu chứng đầy hơi, chướng bụng
Khi bị đầy hơi, chướng bụng cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa nhằm xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định điều trị.
Người bệnh không nên nghe theo những lời mách bảo không có chuyên môn về y khoa hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho người bệnh, đặc biệt là làm cho bệnh ngày một trầm trọng thêm.
5. Nên làm gì để phòng bệnh đầy hơi, chướng bụng?
Nên đi bộ nhẹ nhàng để phòng bệnh.
Để không mắc các bệnh có liên quan đến đầy hơi, chướng bụng mọi người nên:
- Thực hiện độ ăn uống khoa học, bởi việc thực hiện một chế độ ăn, uống khoa học sẽ giúp khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa, làm cho thức ăn được nhào trộn kỹ khi vào dạ dày rồi xuống ruột.
- Người đang điều trị đầy hơi chướng bụng khi đã xác định được nguyên nhân do viêm dạ dày, cần ăn thức ăn mềm (tốt nhất là cháo, bánh mì, súp…); không uống rượu, bia (bia sinh hơi rất nhiều); hạn chế tối đa dùng gia vị kích thích niêm mạc đường tiêu hóa như ớt, chanh…;
- Nên ăn đúng bữa, không ăn no quá, ăn xong nên ngồi giải lao không nên nằm ngay nhất là đầy hơi chướng bụng do bệnh trào ngược dạ dày - thực quản;
- Thức ăn hàng ngày không nên sử dụng nhiều loại rau họ cải, bởi loại rau này dễ gây đầy bụng, chướng hơi, sôi bụng; Nên bổ sung một số loại thực phẩm như sữa chua, lê... không nên ăn ngọt (bánh kẹo…).
- Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống có thể sử dụng phương pháp chườm nóng (túi chườm, hoặc dùng chai nhựa đựng nước ấm…) sẽ giúp cải thiện phần nào tình trạng sôi bụng. Tốt hơn có thể áp dụng phương pháp massage bụng: trước hết cần làm ấm tay rồi thực hiện massage bụng theo chiều kim đồng hồ, xoa lan dần ra khắp bụng đến khi tình trạng sôi bụng được giảm dần.
- Nên tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày, tốt nhất là đi bộ (ngày đi bộ 2-3 lần, mỗi lần chỉ cần 10 phút) giúp tiêu hóa được tốt hơn.
Theo suckhoedoisong.vn