1. Mụn cóc từ đâu ra?
Mụn cóc do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Đây là loại virus có mặt ở nhiều nơi và cũng là họ virus gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.
Có khoảng 150 loại (type) virus HPV nhưng chỉ có một vài loại là có thể gây ra mụn cóc. Trong đó loại 6 và 11 gây ra khoảng 90% mụn cóc, nhưng được chia vào nhóm rủi ro thấp. Còn nhóm virus HPV rủi ro cao gồm các loại 16 và 18, hoặc 31, 33, 45, 52, 58 – đây là những loại gây ra ung thư cổ tử cung.
Mụn cóc lây chủ yếu do truyền nhiễm khi da tiếp xúc trực tiếp với da qua vết cắt, vết nứt hoặc da tiếp xúc với những vật dụng chung có dính virus HPV. Loại virus này có thể ở trên bề mặt như khăn tắm, đồ dùng cá nhân. HPV cũng có thể lây qua bàn chân trần khi đi ở hồ bơi, nhất là bàn chân có tổn thương.
Tuy nhiên, tùy vào cơ địa và sức khỏe hệ miễn dịch của mỗi người khi tiếp xúc với virus HPV có thể phát bệnh mụn cóc hay không. Đa số bệnh nhân khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt sẽ không có bị mụn cóc, dù có tiếp xúc với virus HPV.
2. Cách chữa trị mụn cóc
Mụn cóc nhỏ thường vô hại và dần dần tự biến mất. Các mụn cóc to có thể ảnh hưởng đến các mô cơ bên dưới. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đều thấy khó chịu và muốn đốt bỏ hoặc cắt các mụn này vì lý do thẩm mỹ hoặc rủi ro lây nhiễm sang chỗ khác hay người khác.
Đối với các mụn cóc nhỏ có thể điều trị ở nhà bằng các loại thuốc bôi không cần kê toa, mua ở nhà thuốc. Nếu mụn cóc không hết hay ngày càng nhiều, cần phải gặp bác sĩ ngay, bởi có thể đó là dấu hiệu của một số ung thư da, như ung thư da tế bào vảy (có thể nhìn giống như mụn cóc). Ung thư tế bào vảy nếu không chữa sớm có thể bị di căn và tổn thương nặng nề.
Điều quan trọng nhất trong chữa mụn cóc là chẩn đoán đúng. Mục tiêu chữa trị mụn cóc là diệt mụn cóc trong khi kích thích hệ miễn dịch tấn công và diệt virus. Thường trị liệu mụn cóc có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Nhìn chung, trị liệu mụn cóc kết hợp từ 2 hay nhiều cách kết sẽ tốt hơn là trị liệu đơn độc.
- Thuốc bôi hoặc thuốc dán salicylic acid sẽ làm từng lớp mụn cóc tróc ra từ từ. Đôi khi bác sĩ sẽ cho thuốc thoa salicylic nồng độ mạnh hơn (nồng độ khoảng 40-50%) sẽ giúp mụn cóc mau bóc ra hơn.
- Thuốc bôi imiquimod (là thuốc trị ung thư da) lên mụn cóc sẽ làm mụn từ từ rụng đi, nhất là mụn cóc phẳng hay mụn cóc vùng sinh dục. Thuốc này có thể làm vùng da đau sưng đỏ trước khi mụn cóc dần rụng đi. Kết hợp phương pháp xịt lạnh và thuốc imiquimod thường có kết quả tốt hơn. Thuốc Imiquimod thường phải do bác sĩ chuyên khoa kê toa.
- Thuốc bôi podofilox trực tiếp vào mụn cóc khiến mụn rụng đi từ từ. Tại vùng da bôi thuốc, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị tê tê như bị phỏng, có thể hơi ngứa.
- Thuốc bôi 5-fluorouracil (5-FU) cũng do bác sĩ chuyên khoa kê toa, thường được dùng nhiều cho mụn cóc ở trẻ em.
- Xịt lạnh là cách bác sĩ hay dùng để chữa mụn cóc. Phương pháp này nên được thực hiện tại phòng khám. Xịt lạnh là phương pháp dùng chất nitro lỏng tạo ra nhiệt độ cực lạnh (-196 độ C) ở vùng xịt. Với nhiệt độ này, virus HPV bị phá hủy cũng như các mô vùng mụn cóc bị tổn thương hoàn toàn. Vài ngày sau khi xịt, da vùng xịt lạnh sẽ chuyển thành màu đen và mụn cóc dần dần rụng ra những ngày sau đó. Các nghiên cứu chỉ ra kết hợp xức thuốc salicylic acid và xịt lạnh có kết quả diệt mụn cóc cao hơn. Tác dụng phụ của chữa xịt lạnh là vùng da trị liệu có thể đau nhức, sưng nước và đổi màu khi phục hồi.
Lưu ý, với trẻ em bị mụn cóc nếu chữa trị bằng phương pháp xịt lạnh nitro có thể gây khó chịu vì đau nhức, nên bác sĩ thường dùng các loại thuốc thoa trên hoặc chỉ quan sát theo dõi diễn biến của mụn cóc.
- Đốt nóng cũng là một cách khác để diệt virus và mô mụn cóc bị nhiễm. Cách này gần đây ít được sử dụng do khói và mùi từ đốt nóng khá khó chịu.
- Kết hợp tiểu phẫu và thoa các loại thuốc bôi như trên: Phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt mụn cóc đến gần sát, sau đó thoa thuốc trichloroacetic acid nồng độ cao (80%) để làm diệt HPV trên bề mặt mụn cóc. Ngoài ra có thể dùng các thuốc khác như bleomycin
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn mụn cóc: Với trường hợp mụn cóc bị mọc đi mọc lại hoặc mọc ở vùng mất thẩm mỹ, mụn cóc quá lớn, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ hoàn toàn và khâu lại.
- Tiêm thuốc bleomycin trực tiếp vào mụn cóc cũng có hiệu quả trong việc chữa trị bệnh. Bleomycin là thuốc hóa trị chữa ung thư. Tiêm thuốc này chỉ dành cho trường hợp mụn cóc không hiệu quả với các cách khác.
- Laser được dùng trong vài trường hợp mụn cóc không khỏi với các cách chữa thường quy. Phương pháp này sẽ đốt các mạch máu li ti trong mụn cóc khiến các mô không phát triển và dần dần hoại tử. Tuy nhiên cách dùng này cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh hiệu quả.
- Các nghiên cứu chỉ ra dùng vaccine HPV có thể giúp chữa dứt hoặc ngăn ngừa mụn cóc tái nhiễm. Tùy vào độ tuổi hoặc giới tính mà bác sĩ sẽ cho tiêm vaccine HPV.
Dùng vaccine HPV loại có thể ngăn ngừa nhiều chủng virus có thể ngăn ngừa mụn cóc tái phát, nhất là mụn cóc vùng sinh dục.
3. Cách nào ngăn ngừa mụn cóc?
Để ngăn ngừa mụn cóc hoặc ngăn ngừa mụn cóc tái phát, cần hiểu rõ cách lây lan và cách virus tấn công vào da.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc
- Tránh cắn hoặc bức mụn cóc bằng tay vì có thể lây lan đến chỗ khác
- Không dùng chung kìm cắt móng tay, phải khử khuẩn khử trùng sạch sẽ sau mỗi lần dùng. Đặc biệt với nhân viên làm móng cần lưu ý để tránh lây bệnh cho mình và cho khách hàng.
- Không cắn móng tay, vì virus HPV có thể lây qua vùng da khác bị trầy xước khi bị cắn.
Theo suckhoedoisong.vn