Việc ngồi lâu, ít vận động có thể khiến cột sống trở nên yếu dần.
Theo Erik Waardenburg, bác sĩ chuyên khoa Trị liệu Thần kinh Cột sống tại phòng khám ACC, nhiều người nghĩ thoát vị đĩa đệm là tình trạng chỉ gặp ở người lớn tuổi, khi hệ xương khớp bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, thực tế, bệnh ngày càng trẻ hóa, phổ biến trong giới văn phòng.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách hoặc đứt, tạo nên những lỗ hổng khiến nhân nhầy đĩa đệm bị thoát ra, chui vào ống sống chèn ép dây thần kinh. Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị, tuy nhiên, thường gặp nhất là phần đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng do thường chịu nhiều ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do công việc đặc thù của một nhân viên văn phòng chị Nguyễn Dung, 24 tuổi, TP HCM thường ngồi làm việc trung bình từ 8 đến 10 tiếng một ngày. Sau một thời gian, chị bắt đầu cảm thấy những cơn đau thoáng qua ở vùng thắt lưng.
Tuy nhiên, chị nghĩ rằng đây là chuyện bình thường và nghĩ sẽ tự khỏi. Chỉ đến khi cảm giác đau nhói không thể chịu được, thậm chí tê lan xuống chân khiến chị mất ăn mất ngủ, Dung mới tìm gặp bác sĩ. Chị ngỡ ngàng khi bị chẩn đoán thoát vị đĩa đệm L4, L5, khác với quan niệm xưa kia cho rằng bệnh chỉ xảy ra khi bị chấn thương nặng hoặc chỉ gặp ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân và biểu hiện bệnh thoát vị đĩa đệm
Theo BS. Erik Waardenburg, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thoát vị đĩa đệm ở dân văn phòng là do thói quen ngồi nhiều, thiếu vận động. Con người cần phải đi lại, vận động, chạy nhảy, việc chỉ ngồi một chỗ, nhìn vào màn hình máy tính trong thời gian dài, khiến cột sống trở nên yếu dần, dễ tổn thương, áp lực bị dồn ép nhiều lên các đốt xương.
Một trong những triệu chứng khởi phát đầu tiên của thoát vị đĩa đệm là những cơn đau dai dẳng không dứt, có thể ở cổ vai gáy, thắt lưng. Sau đó, cơn đau sẽ càng tiến triển nặng, bắt đầu có cảm giác đau từ cổ tê lan xuống hai cánh tay, hoặc từ lưng lan xuống hông và cả hai chân. Đây là dấu hiệu dây thần kinh bị chèn ép. Nếu để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, dây thần kinh sẽ mất dần chức năng vốn có, khiến tay chân bệnh nhân có cảm giác yếu, không vận động được linh hoạt như trước, dần có thể gây biến chứng mất chức năng thần kinh vận động ở khu vực bị chèn ép.
Nếu bệnh nhân điều trị và tác động ngay từ thời điểm những cơn đau mới xuất hiện thì thời gian hồi phục sẽ nhanh chóng. Ngược lại, nếu để lâu, chẩn đoán trễ, khi ấy đĩa đệm bắt đầu quá trình thoát vị, khó phục hồi, bác sĩ chỉ có thể hỗ trợ giúp cải thiện tình trạng.
Bác sĩ Erik Waardenburg kiểm tra cột sống cho bệnh nhân.
Vì vậy, nếu được chẩn đoán ngay từ giai đoạn đầu khi các triệu chứng đau vừa mới xuất hiện, sẽ dễ dàng điều trị dứt điểm, hồi phục. Càng để lâu, các chức năng sẽ bị tổn hại, bệnh nhân có thể phải sống chung với căn bệnh cả đời.
Giảm nỗi lo thoát vị đĩa đệm không cần dùng thuốc hay phẫu thuật
Nhiều bệnh nhân thường băn khoăn khi lựa chọn phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm, vì lo sợ những tác dụng phụ có thể xảy ra hoặc những biến chứng, rủi ro khó lường. Với nguyên tắc điều trị dựa trên sự hồi phục tự nhiên của cơ thể, Trị liệu Thần kinh Cột sống (Chiropractic) là phương pháp được ưa chuộng ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia, Đức, Singapore,... Thông qua phim chụp X quang hoặc cộng hưởng từ của bệnh nhân, bác sĩ trị liệu có thể xác định mức độ sai lệch của cột sống, sử dụng tay nắn chỉnh nhẹ nhàng đưa đĩa đệm về đúng vị trí, giảm chèn ép dây thần kinh.
Song song đó, để đẩy nhanh quá trình điều trị, bác sĩ cũng có thể chỉ định điều trị kết hợp giữa nắn chỉnh cột sống và các phương pháp vật lí trị liệu - phục hồi chức năng khác như: kéo giãn giảm áp cột sống DTS, chiếu tia laser cường độ cao, tập phục hồi chức năng vận động với chương trình được thiết kế riêng biệt cho từng bệnh nhân để hồi phục, cải thiện chức năng các vùng mô cơ xung quanh đĩa đệm bị chèn ép, giúp bệnh nhân giảm đau, phục hồi tự nhiên mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.
Theo vnexpress