leftcenterrightdel
 

Theo News Medical Life Sciences, chứng khó tiêu là cảm giác khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên. Các triệu chứng của khó tiêu bao gồm ợ nóng, no sớm, ợ hơi, đầy hơi và buồn nôn và nhiều vấn đề khác về đường tiêu hóa.

Hầu hết người trưởng thành đều mắc chứng này vào thời điểm nào đó trong đời, thường không kèm theo bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào khác.

Tuy nhiên, chứng khó tiêu nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể liên quan đến căn bệnh nặng hơn, đặc biệt khi đi kèm với các triệu chứng khác như chảy máu đường tiêu hóa, giảm cân hoặc khó nuốt.

Bệnh này được chia làm 2 loại là chứng khó tiêu thực thể và chứng khó tiêu chức năng, tùy thuộc vào các nguyên nhân phát bệnh.

Khó tiêu chức năng

Theo Mayo Clinic, chứng khó tiêu chức năng là thuật ngữ chỉ các dấu hiệu và triệu chứng khó tiêu tái phát mà không có nguyên nhân rõ ràng. Nó còn được gọi là chứng khó tiêu không do loét.

Chứng khó tiêu chức năng có liên quan đến thức ăn và đồ uống mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Việc ăn quá nhiều hoặc ăn nhanh thức ăn giàu dầu mỡ, chua hoặc cay gây khó tiêu do kích thích dạ dày hoặc các lớp đệm niêm mạc. Điều này làm giảm khả năng của dạ dày trong việc tiêu hóa và vận chuyển thức ăn vào ruột.

Một số loại thuốc và chất bổ sung cũng có thể cản trở hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa. Do đó, chúng gây ra chứng khó tiêu tạm thời, cũng như việc tiêu thụ lượng lớn chất xơ, caffeine hoặc đồ uống có ga.

Ngoài ra, hút thuốc có thể khiến cơ thắt giữa dạ dày và thực quản yếu đi, từ đó tạo điều kiện cho axit trào lên cổ họng, gây ra chứng ợ nóng.

Uống rượu cũng có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa khác nhau vì nó làm tăng lượng axit dạ dày và gây thêm kích ứng cho thực quản. Cuối cùng, nó khiến việc ăn uống trở nên khó tiêu.

Những người béo phì cũng có nhiều khả năng bị khó tiêu do tăng áp lực trong dạ dày, đặc biệt là sau bữa ăn lớn gây trào ngược axit. Vì những lý do tương tự cũng như các nguyên nhân nội tiết tố, phụ nữ mang thai thường xuyên bị khó tiêu ở một số giai đoạn của thai kỳ.

Cuối cùng, lo lắng và căng thẳng cũng có thể gây ra chứng khó tiêu, mặc dù nó có thể được coi là nguyên nhân thực thể liên quan đến bệnh nền trong trường hợp lo lắng mạn tính.

Khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, thay đổi nội tiết tố xảy ra để chuẩn bị cho tâm trí và cơ thể đối mặt với mối đe dọa sắp tới. Điều này dẫn đến nhịp tim, huyết áp tăng lên, mạch máu giãn ra trong khi lưu lượng máu đến hệ tiêu hóa bị hạn chế. Do đó, chúng ta thường có các triệu chứng như đau dạ dày, buồn nôn, nôn và khó tiêu.

 
    chung kho tieu anh 1

    Chứng khó tiêu chức năng thường có liên quan đến thức ăn và đồ uống mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Ảnh:Crunchstories.

Khó tiêu thực thể

Nguyên nhân của chứng khó tiêu thực thể bắt nguồn từ căn bệnh tiềm ẩn nào đó và một số bệnh có chứng khó tiêu như một triệu chứng phổ biến.

Ví dụ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra bởi sự suy yếu của các cơ thắt thực quản, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này khiến lớp lót mô bị viêm và kích ứng, dẫn đến đau khi nuốt và khó tiêu.

Các bệnh khác gây rối loạn chức năng trong hệ thống tiêu hóa cũng thường dẫn đến chứng khó tiêu. Ví dụ, bệnh sỏi mật thường liên quan đến chứng khó tiêu, đầy hơi và khó chịu ở bụng. Chứng khó tiêu mạn tính cũng được xem là triệu chứng tiềm ẩn cần nghiên cứu thêm.

Ngoài ra, ung thư dạ dày hoặc ung thư đường tiêu hóa khác có khả năng gây khó tiêu do rối loạn chức năng hệ tiêu hóa nghiêm trọng.

Loét dạ dày do axit dạ dày gây tổn thương lâu dài ở thành đường tiêu hóa trên và thường có triệu chứng là ợ nóng và khó tiêu. Nó cũng liên quan đến việc lạm dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

Helicobacter pylori là loại vi khuẩn Gram âm thường được tìm thấy trong dạ dày, có liên quan đến một số bệnh như loét dạ dày, viêm dạ dày hay ung thư dạ dày. Tất cả bệnh này đều có thể gây khó tiêu.

Hầu hết trường hợp nhiễm H. pylori không biểu hiện triệu chứng và nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn này đóng vai trò cân bằng nội sinh ở ruột người. Theo nghiên cứu, khoảng 50% dân số thế giới chứa vi khuẩn này trong đường tiêu hóa trên.

Ngoài ra, sự phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột do dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác cũng có thể dẫn đến chứng khó tiêu. Những loại thuốc này gây ra sự giãn nở động mạch, làm nới lỏng cơ thắt giữa dạ dày và thực quản, dẫn đến trào ngược axit hay viêm biểu mô.

Biến chứng

Chứng khó tiêu nói chung nhẹ, tạm thời và không có biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nó kéo dài do lối sống (chế độ ăn uống không lành mạnh, dùng thuốc, uống rượu…) thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như ung thư, viêm phúc mạc, hoặc nhiễm trùng niêm mạc dạ dày.

Chứng khó tiêu nghiêm trọng và kéo dài thường được phát hiện ban đầu bằng nội soi. Nếu có bất kỳ vấn đề nào trong quá trình kiểm tra, sinh thiết và xét nghiệm máu có thể được thực hiện để chẩn đoán cụ thể hơn.

Theo Zingnews