Thỉnh thoảng, nhai viên đá từ đồ uống lạnh không phải là vấn đề. Hành động này có thể giúp cung cấp lượng nước cần thiết, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nóng.

Tuy nhiên, việc thường xuyên thèm và nhai đá có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và có khả năng dẫn đến các biến chứng về răng miệng, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health.

Nhai đá lạnh có tốt không?- Ảnh 1.

Nhai đá lạnh có thể không gây nguy hiểm cho cơ thể nhưng sẽ ảnh hưởng sức khỏe răng miệng

Pexels

Vì sao nhiều người có cảm giác thèm ăn đá?

Có nhiều lý do khiến mọi người cảm thấy thèm ăn đá. Một trong những nguyên nhân này là mất nước. Mất nước có thể dẫn đến cảm giác khát, thèm đá, làm khô miệng, lưỡi và môi. Các dấu hiệu mất nước khác bao gồm đau đầu, mệt mỏi, nước tiểu có màu sẫm hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy thèm đá có thể là kết quả của sự thiếu hụt dinh dưỡng. Các nghiên cứu cho thấy thèm đá có thể là dấu hiệu của cơ thể thiếu kẽm hoặc canxi.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra một vài người bị thiếu sắt có thể cảm thấy thèm đá đột ngột. Cảm giác thèm đá tăng lên khi lượng sắt trong cơ thể sắp cạn kiệt.

Ngoài ra, cảm giác thèm nhai đá có thể là dấu hiệu của hội chứng Pica. Đây là hội chứng rối loạn dẫn đến việc ăn quá nhiều các món không phải thực phẩm hoặc các chất không dinh dưỡng. Tình trạng nhai đá có thể trở nên thường xuyên hơn khi bị căng thẳng.

Nhai đá lạnh có nguy hiểm?

Nhai đá không hẳn là hành động nguy hiểm nhưng nó có thể gây ra một số vấn đề không có lợi cho sức khỏe.

Ngoài việc cung cấp nước, đá không có giá trị dinh dưỡng. Đây là lý do tại sao ăn nhiều đá trong thời gian dài thay cho các thực phẩm và đồ uống khác có thể dẫn đến các vấn đề về dinh dưỡng.

Khi tình trạng thiếu sắt và thèm đá xảy ra đồng thời, cơ thể có thể không nhận đủ chất sắt và cả các chất dinh dưỡng khác.

Bên cạnh đó, việc nhai đá thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề như tổn thương răng, đau răng và tăng độ nhạy cảm của răng với lạnh. Theo thời gian, các vết nứt nhỏ không thể phát hiện được có thể phát triển trong men răng, dẫn đến các vết nứt hoặc sứt mẻ lớn hơn về sau. Nhai đá cũng có thể làm hỏng miếng trám, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có khả năng hình thành lỗ sâu răng bên dưới phần trám.

Đối với những người mắc hội chứng Pica, nếu việc nghiện ăn đá không được điều trị, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.

Theo Thanh niên