1. Vì sao bị đau đầu sau gáy?

Đau đầu sau gáy là đau phía sau đầu và vùng cổ gáy, hiện tượng này gây đau nhức vùng cổ gáy lan lên đầu vùng chẩm, đỉnh thậm chí đến vùng thái dương. Đau có thể thành cơn hoặc âm ỉ từ nhẹ đến nặng.

Hầu hết đau đầu sau gáy liên quan đến những thói quen xấu và các yếu tố như:

  • Làm việc sai tư thế: tư thế cúi quá sát khi ngồi làm việc hoặc mang vác nặng vùng cổ vai
  • Thói quen sinh hoạt không khoa học: gối đầu quá cao, nằm ngồi trái tư thế, vận động cổ vai quá mức.
  • Bị stress, căng thẳng quá mức gây co cơ.
  • Chấn thương: Các chấn thương vùng cổ gáy gặp trong sinh hoạt, lao động… gây tổn thương các cấu trúc vùng cổ gáy như xương, cơ, dây chằng, mạch máu, thần kinh.
photo-1664788680052
 

Stress kéo dài khiến các cơ vùng cổ gáy co cứng gây đau đầu sau gáy.

Ngoài ra đau đầu sau gáy còn là hậu quả của các bệnh lý như:

  • Tăng huyết áp
  • Hội chứng nhiễm siêu vi: cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết…
  • Tăng áp lực nội sọ: Khiến bệnh nhân đau đầu dữ dội, kèm theo nôn, sợ sáng, rối loạn ý thức...
  • Các bệnh lý liên quan đốt sống cổ: thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, gai đôi đốt sống cổ, lao xương khớp...
  • Viêm màng não, xuất huyết dưới nhện.
  • Bệnh lý hố sau: U, xuất huyết…

2. Biểu hiện đau đầu sau gáy

- Đau đầu sau gáy thường xuất hiện kéo dài, cơn đau thường tập trung ở vùng đầu sau gáy và xảy ra thường xuyên. Bệnh có thể khởi phát đột ngột hoặc diễn ra từ từ với cường độ đau khác nhau lúc dữ dội, đau như mạch đập, nhói kiểu điện giật, bó thắt, lúc lại âm ỉ kéo dài.

- Đau đầu vùng sau gáy có thể kèm theo đau mỏi cổ gáy làm hạn chế vận động cổ gáy, đau nhói như điện giật lan nên vùng sau đầu, rối loạn cảm giác da đầu, đau có thể lan xuống cả cánh tay và cẳng tay...

- Cùng một số triệu chứng đi kèm như: cảm giác buồn nôn; sợ ánh sáng, sợ tiếng động; rối loạn giấc ngủ… Những cơn đau khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Tùy vào cơ địa mỗi người, thời gian và biểu hiện cơn đau sẽ khác nhau. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng ở nữ giới nhiều hơn nam.

- Đau đầu sau gáy làm người bệnh rất mệt mỏi và cáu gắt.

3. Khi nào cần đi khám?

Một số những triệu chứng đau đầu sau gáy được coi là nghiêm trọng, bệnh nhân cần được thăm khám y tế ngay lập tức:

  • Đau đầu mức độ vừa và nặng; Đau tăng dần về cường độ và tần xuất
  • Đau đầu sau gáy kèm theo: sốt; cứng gáy; buồn nôn/nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động;
  • Yếu hoặc liệt vận động, vận động vụng về, đi lại khó khăn.
  • Rối loạn ý thức, rối loạn tâm lý hành vi.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Nhận biết nguyên nhân và điều trị đau đầu vùng sau gáy - Ảnh 4.

Tập yoga giúp lưu thông máu phòng bệnh đau đầu sau gáy.

Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng đau đầu và có hướng điều trị phù hợp khác nhau:

- Đối với trường hợp đau cấp tính: phần lớn sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau và bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau cần có sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều khiến đáp ứng với thuốc giảm dần. Việc sử dụng thuốc giảm đau quá mức có thể dẫn đến ngộ độc thuốc hoặc cơ thể chưa kịp chuyển hóa thuốc đã bị đào thải.

- Trường hợp mạn tính: Có thể phải sử dụng đến những nhóm thuốc chống động kinh, thuốc trầm cảm… mới có thể kiểm soát được cơn đau. Thuốc có tác dụng làm giảm và ngăn ngừa cơn đau tái phát thường xuyên nhưng nếu lạm dụng có thể sẽ phải chịu những tác dụng phụ không mong muốn làm ảnh hưởng đến gan, thận, hệ tiêu hóa và cả hệ thần kinh… Chính vì thế, cần có sự chỉ định từ bác sĩ, chỉ nên uống đúng và đủ liều, không nên quá lạm dụng.

Ngoài việc sử dụng thuốc người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt để ngăn ngừa cơn đau đầu tái phát cũng như giảm tần suất dùng thuốc giảm đau:

  • Nên làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá lâu ở một tư thế.
  • Cần thay đổi tư thế ngồi, nằm để tránh bị những cơn đau đầu hành hạ.
  • Cần phải tập luyện với những bài tập nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ thể tránh khỏi những cơn đau nửa đầu sau gáy.

Theo suckhoedoisong.vn