1. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích

Đến nay, vẫn chưa rõ hết nguyên nhân gây hội chứng này. Nhiều ý kiến cho rằng do rối loạn chức năng gây ra hội chứng ruột kích thích vì khi thăm khám đại tràng đều sẽ không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào. Tuy người bệnh luôn có cảm giác đau và khó chịu nhưng đường ruột lại không có biểu hiện tổn thương.

Ngoài ra, nhiều yếu tố cũng chỉ ra sự liên quan giữa hội chứng ruột kích thích và nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (một người nếu bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thì có tỷ lệ mắc hội chứng này cao hơn đến 6 lần).

Bệnh có thể là do một trong số những nguyên nhân sau:

  • Có chế độ ăn ít chất xơ, ăn các loại thực phẩm không phù hợp;
  • Đại tràng tổn thương sau khi nhiễm độc thức ăn hoặc nhiễm khuẩn;
  • Do rối loạn điều hòa nhu động đại tràng của trục não - ruột.

Tỷ lệ nữ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới vì trong giai đoạn của bệnh các hormone sinh dục nữ thường tăng cao.

2. Các biểu hiện điển hình của hội chứng ruột kích thích

Những biểu hiện điển hình tại ống tiêu hóa, cụ thể như:

  • Bụng sôi, đau quặn;
  • Đầy hơi, chướng bụng;
  • Trào ngược dạ dày - thực quản dẫn đến ợ hơi;
  • Liên tục có cảm giác mót rặn, táo bón;
  • Đi ngoài nhiều lần phân nát, phân lỏng hoặc phân nhầy máu mũi, nhiều bọt.
photo-1676258379132
 

Đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần có thể là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích.

Các biểu hiện này thường gặp sau khi ăn đồ ăn lạ hay gặp phải sang chấn tâm lý. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có các biểu hiện: Lo lắng, mệt mỏi, đau đầu mất ngủ, suy giảm các hoạt động thể chất, giảm khả năng tập trung...

3. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

- Nội soi đại trực tràng: được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý đại trực tràng, đặc biệt là các khối u, ung thư, tổn thương viêm loét, chảy máu. Qua nội soi giúp phát hiện các tổn thương bệnh lý đại trực tràng: viêm, polyp, ung thư…; có thể sinh thiết tổn thương làm xét nghiệm tế bào giúp chẩn đoán xác định bệnh; Có thể cắt polyp qua nội soi, cầm máu qua nội soi…

  • Các yếu tố làm tăng nguy cơ lồng ruột ở trẻ và cách phát hiện

- Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính bụng: Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính bụng có thể giúp phát hiện các khối u, tình trạng viêm nhiễm.

- Xét nghiệm phân: Để tìm ký sinh trùng, vi khuẩn phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.

Cần lưu ý: Tuyệt đối bệnh nhân không tự chẩn đoán và dùng thuốc khi chưa được đi khám để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm trước khi điều trị hội chứng ruột kích thích.

photo-1676258380998
 

Nội soi giúp chẩn đoán bệnh.

4. Điều trị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là do rối loạn chức năng, nguyên nhân chưa rõ ràng, do đó chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp điều trị chủ yếu bao gồm:

- Điều chỉnh chế độ ăn:

  • Tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hoá;
  • Loại bỏ thực phẩm gây đầy hơi: thức uống có gas, rau củ như bắp cải…;
  • Loại bỏ gluten khi người bệnh không dung nạp Gluten sẽ bị tiêu chảy đau bụng khi sử dụng (lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen);
  • Không sử dụng các chất kích thích, cafe, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.

- Thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

- Tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng kéo dài.

- Tập thể dục đều đặn để rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe.

- Dùng thuốc: Để điều trị hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: Thuốc chống co thắt, chống táo bón, chống tiêu chảy, thuốc an thần...

Trong một số trường hợp cần thiết có thể dùng một số loại kháng sinh đường ruột. Trong mọi trường hợp dùng thuốc gì, liều lượng ra sao cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, tránh tự dùng thuốc sẽ làm bệnh nặng thêm và có thể có những biến chứng không mong muốn.

Theo suckhoedoisong.vn