1. Thế nào là viêm dây thần kinh thị giác?
Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ có chức năng dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc (mắt) về thùy chẩm ở não để phân tích. Mỗi dây thần kinh thị giác đảm nhận nhiệm vụ cho từng mắt và trên một thị trường riêng biệt. Hai dây thần kinh thị giác đối xứng nhau về hai bên bán cầu não.
Viêm dây thần kinh thị giác (viêm thị thần kinh) là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác. Viêm nhiễm có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ chiều dài của dây thần kinh. Bệnh thường xảy ra ở 1 bên mắt, đôi khi gặp ở cả 2 bên.
2. Triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác
Viêm thần kinh thị giác thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Nếu có vấn đề cả hai bên mắt, người bệnh trước tiên cần nghĩ đến bệnh lý khác thay vì viêm thần kinh thị giác.
Các triệu chứng viêm dây thần kinh thị giác:
- Người bệnh cảm thấy đau nhức mắt: Hầu hết bệnh nhân bị viêm thần kinh thị giác đều bị đau mắt với mức độ từ trung bình cho đến nặng. Khi cử động mắt cơn đau sẽ tăng lên. Cơn đau đôi khi chỉ là cảm giác mơ hồ âm ỉ phía sau mắt.
- Mất thị lực ở một bên mắt: Đa số bệnh nhân đi khám là do giảm thị lực tạm thời với nhiều mức độ khác nhau. Thị lực chỉ giảm rõ rệt khi bệnh vào giai đoạn tiến triển sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Khi được điều trị, tổn thương viêm được khu trú, thị lực sẽ được cải thiện dần trong vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp người bệnh bị giảm thị lực nặng đến mất thị lực vĩnh viễn.
- Bệnh nhân bị mất thị trường thị giác: Khi bị viêm dây thần kinh thị giác, thị trường của một mắt bệnh nhân bị thu hẹp một phần hay có thể mất hẳn một bên.
- Bị mất thị lực màu: Phản ứng viêm trên dây thần kinh thị giác sẽ ảnh hưởng đến nhận thức màu sắc của bệnh nhân. Khi đó, người bệnh nhận thấy màu sắc xuất hiện kém sinh động hơn bình thường hoặc nhiều khi không phân biệt được các màu với nhau.
- Nhìn thấy có nhiều ánh sáng nhấp nháy: Số ít bệnh nhân được phát hiện ra viêm thần kinh thị giác, đi khám khi nhìn thấy nhiều các đốm sáng nhấp nháy như ánh đèn và các hình ảnh này tăng dần lên hoặc khi người bệnh chuyển động nhãn cầu mắt.
Viêm dây thần kinh thị giác nếu để lâu không được điều trị có thể diễn tiến ngày càng nghiêm trọng. Một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn rất nguy hiểm. Chính vì thế, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt khi thấy đột nhiên đau mắt hoặc thay đổi tầm nhìn và các dấu hiệu trên.
Ngoài ra, viêm dây thần kinh thị giác có thể còn đi kèm với các tổn thương trên thần kinh khác: gây tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, thậm chí là rối loạn tri giác khi bệnh đã diễn tiến nặng nề.
Viêm dây thần kinh thị giác, các myelin bị viêm và tổn thương.
3. Nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh thị giác
Nguyên nhân chính xác của viêm dây thần kinh thị giác đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho rằng, đây là hệ quả khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mục tiêu vào chất bao phủ dây thần kinh thị giác (myelin) dẫn đến viêm và tổn thương myelin. Điều này trì hoãn dẫn truyền tín hiệu và ảnh hưởng đến thị lực.
Bệnh có biểu hiện của xơ cứng rải rác. Các nguyên nhân khác có thể kể đến như: Bị nhiễm trùng: bị viêm não virus (đặc biệt là ở trẻ em), bị viêm xoang, viêm màng não, lao, giang mai, HIV…; Ung thư di căn đến thần kinh thị giác; Ảnh hưởng của hóa chất và thuốc: chì, methanol, quinine, asen, ethambutol, kháng sinh…; Bệnh viêm tủy thị thần kinh; Myelin oligodendrocyte glycoprotein tự kháng thể.
Và các nguyên nhân hiếm gặp gồm: bị đái tháo đường, thiếu máu ác tính, các bệnh tự miễn, bệnh nhãn giáp, ong đốt, chấn thương…
4. Điều trị thế nào?
Người bệnh cần được khám bệnh toàn diện và điều trị theo các chuyên khoa: tai - mũi - họng, thần kinh, truyền nhiễm, dị ứng… Ngay khi có nghi ngờ bệnh viêm dây thần kinh thị giác nên ngừng ngay việc sử dụng các chất gây nhiễm độc dây thần kinh thị giác.
Bác sĩ sẽ giải quyết rối loạn tuần hoàn, dinh dưỡng tại dây thần kinh, chống viêm, chống nhiễm trùng… Việc điều trị viêm dây thần kinh thị giác chủ yếu là loại trừ nguyên nhân. Ngay sau khi có chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ điều trị bằng corticoid.
- Thuốc corticoid có thể được chỉ định với liều rất cao, dùng cả đường uống lẫn đường tiêm, truyền tĩnh mạch.
- Với kháng sinh, tùy theo tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cho chỉ định phù hợp.
- Trong 1 số trường hợp đặc biệt bác sĩ có thể cho người bệnh dùng tới thuốc ức chế miễn dịch (bệnh Behcet).
- Các loại thuốc giãn mạch dùng theo đường uống và tiêm cạnh nhãn cầu cùng các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 cũng có thể được bác sĩ sử dụng.
Viêm dây thần kinh thị giác là bệnh mắt nặng và có khả năng tái phát. Đặc biệt cần chú ý vì bệnh gây biến chứng và di chứng nặng nề. Chính vì thế việc phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực rất quan trọng trong phục hồi chức năng thị giác, nhằm tránh tái phát và biến chứng nặng nề.
Theo suckhoedoisong.vn