1. Nguyên nhân gây nấm lang ben

Nấm lang ben xuất hiện phổ biến ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh do nấm men Malassezia gây ra. Bình thường, loại nấm này sống trên da người và không gây ra bất cứ triệu chứng sức khỏe nghiêm trọng nào. Chỉ khi loại nấm này phát triển quá mức thì cơ thể bắt đầu bị bệnh nấm lang ben. 

Hiện nay, chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến cho nấm men Malassezia phát triển quá mức và gây bệnh lang ben. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ gây bệnh: 

- Môi trường thời tiết có khí hậu nóng ẩm.

- Những người thường xuyên bị đổ mồ hôi: Điển hình là trường hợp mắc chứng tăng tiết mồ hôi.

- Thoa kem dưỡng quá nhiều, quá dày hoặc mặc quần áo quá chật, ẩm khiến da bị bí, ẩm.

- Trường hợp bị suy dinh dưỡng, cơ thể thiếu chất. 

- Bị suy giảm hệ miễn dịch.

- Thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người lớn tuổi. 

photo-1664860914734
 

Nấm lang ben xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể.

2. Triệu chứng nấm lang ben

Triệu chứng điển hình của nấm lang ben là các mảng da đổi màu có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp cơ thể, đặc biệt là vùng da mặt, cánh tay, vùng ngực, lưng hoặc cổ với đặc điểm sau: 

- Vùng da bị nấm lang ben thường sáng hơn da xung quanh do giảm sắc tố. Một số trường hợp khác có thể tối hơn da xung quanh do tăng sắc tố da.

- Vùng da bị bệnh có thể mang màu hồng, nâu, đỏ, hoặc rám nắng.

- Da chỗ bệnh bị khô, có thể ngứa và đóng vảy.

- Da bị nấm lang ben có thể hơi nhô lên

- Trong điều kiện thời tiết mát mẻ và độ ẩm thấp thì tình trạng nấm sẽ giảm đi. 

photo-1664860919245
 

Vùng da bị nấm thường sáng hơn da xung quanh.

3. Cần thận trọng phân biệt với các bệnh ngoài da khác

- Tình trạng bệnh bạch biến rất dễ nhầm lẫn với nấm lang ben. Cần thận trọng phân biệt: Bạch biến không ảnh hưởng đến kết cấu da; Bạch biến thường xảy ra ở các vùng như ngón tay, cổ tay, nách, miệng, mắt hoặc háng. Các vùng da bị bạch biến thường hình thành các mảng đối xứng nhau.

- Ngoài bạch biến, tình trạng phát ban do pityriocation rosea cũng có những triệu chứng khá giống với bệnh nấm lang ben. Điểm khác là những người bị phát ban thường có một mảng da đóng vảy, có màu đỏ sẽ xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần trước khi phát ban. 

- Bệnh chàm khô: Tổn thương là các dát màu trắng trên có vảy phấn tập trung thành các đám tổn thương có kích thước từ 1-2cm. Vị trí thường gặp ở mặt, cánh tay, cẳng tay.

4. Phương pháp điều trị nấm lang ben

Dựa vào triệu chứng bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc:

- Các thuốc chống nấm dùng ngoài da: kem dưỡng da, dầu gội đầu, kem thoa hoặc xà phòng. Dùng chúng trực tiếp lên da sẽ giúp kiểm soát và ức chế sự lây lan của các nấm trên da.

Các dòng sản phẩm chống nấm thường chứa các thành phần như kẽm, pyrition, selenium sulfide, miconazole, clotrimazole, terbinafine… Tuy nhiên, người bệnh nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Thuốc chống nấm khác: có thể được sử dụng để điều trị các trường hợp nấm lang ben nặng hơn, hoặc khi tái phát nhiều lần. Các loại thuốc này là giải pháp đơn giản và nhanh chóng để ngăn chặn sự lây nhiễm nấm lang ben. Những loại thuốc này được kê đơn và có thể gây ra các phản ứng phụ. Vì vậy, cần được bác sĩ theo dõi trong quá trình sử dụng thuốc.

5. Thay đổi thói quen sống giúp ngăn ngừa nấm lang ben

Để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh có thể tái phát, bệnh nhân nên:

- Tránh sử dụng các sản phẩm gây nhờn da.

- Giảm phơi nắng: tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tác hại tồi tệ trên da. Nếu phải đi ra ngoài nắng, hãy sử dụng kem chống nắng, mũ và các thiết bị che chắn

- Không nên mặc quần áo quá bó; quần áo còn ẩm. Nên mặc các loại vải thoáng khí để giảm mồ hôi.

- Vận động thể dục hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe .

- Có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể đặc biệt là các vitamin và kẽm.

Theo suckhoedoisong.vn