1. Tại sao lại bị rối loạn giọng nói?
Thanh quản được tạo thành từ sụn, cơ và màng nhầy nằm ở đầu khí quản và gốc lưỡi, là nơi tạo ra giọng nói.
Âm thanh được tạo ra khi hai dây thanh âm rung, chính sự rung động này đến từ không khí di chuyển qua thanh quản sẽ đưa 2 dây thanh quản đến gần nhau hơn.
Dây thanh quản có vai trò giúp đóng thanh quản khi con người thực hiện động tác nuốt, cũng như ngăn không để cơ thể hít phải thức ăn hay chất lỏng vào đường hô hấp.
Trong trường hợp nếu dây thanh âm dày lên, bị viêm hoặc không hoạt động bình thường sẽ gây ra rối loạn giọng nói.
2. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn giọng nói
Thông thường rối loạn giọng nói do nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến việc sử dụng giọng nói quá mức:
- Bị nhiễm trùng: viêm thanh quản, đặc biệt thường gặp trong nhiễm trùng hô hấp trên do virus hay vi khuẩn và hay gặp ở các bệnh nhân bị lao thao quản, nấm thanh quản.
- Bị viêm và phù nề: thường bỏng do hít khí độc, chấn thương, phù mạch bẩm sinh, dị ứng.
- Bị tổn thương lành tính dây thanh: hay gặp ở các bệnh nhân bị phù nề dây thanh, hạt dây thanh, nang dây thanh, polyp dây thanh, u nhú dây thanh…
- Có các tổn thương ác tính: ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi…
Nguyên nhân thần kinh gây rối loạn giọng nói: Liệt dây thanh quản do u, phình động mạch chủ ngực, đột quị; Bệnh Parkinson, bệnh thần kinh vận động, nhược cơ; Bệnh hệ thống: suy giáp, to đầu chi, viêm khớp dạng thấp (khớp nhẫn phễu), bệnh tự miễn.
Do rối loạn phát âm chức năng: rối loạn giọng nói co thắt, giảm động dây thanh, tăng động dây thanh, rối loạn giọng nói dậy thì, rối loạn giọng nói tâm lý…
Rối loạn giọng nói hay gặp ở diễn viên, ca sĩ...
3. Yếu tố nguy cơ gây rối loạn giọng nói
Bệnh hay gặp ở các đối tượng:
- Hút thuốc: nguy cơ ung thư thanh quản;
- Nghiện rượu, caffeine: gây kích thích và làm mất nước dây thanh;
- Những người bị trào ngược dạ dày thực quản;
- Bệnh nghề nghiệp: ca sĩ, diễn viên, giảng viên…;
- Những người sống trong môi trường ồn ào, độ ẩm thấp.
4. Triệu chứng điển hình của rối loạn giọng nói
- Thấy thay đổi về cường độ: đột nhiên có chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.
- Có thay đổi về cao độ: giọng bệnh nhân trầm hoặc cao hơn hẳn so với chất giọng trước đây.
- Có sự thay đổi về âm sắc: giọng nói như khàn đặc, căng nghẹt, hoặc kèm theo hơi thở trong lời nói.
5. Rối loạn giọng nói gây hậu quả gì?
- Có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ: Đây là biểu hiện bất thường của sức khoẻ. Nguyên nhân có thể lành tính,tuy nhiên cũng có thể tiềm ẩn của tổn thương nguy hiểm: tổn thương não, khối u ác tính thanh quản…
- Bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh: Vì giọng nói chính là phương tiện để giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Rối loạn giọng nói sẽ gây ra khó khăn, cản trở người bệnh giao tiếp và hòa nhập với xã hội, con người
- Có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ: Giọng nói bất thường làm trẻ không dám nói, và sợ bị chê cười gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý, cũng như khả năng học hành.
- Ảnh hưởng đến công việc hàng ngày: Điều này rõ nhất ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói do tính chất công việc: giáo viên, ca sĩ, bán hàng… Nhiều người đã phải từ bỏ công việc của mình do tình trạng này kéo dài.
Nên uống đủ nước hàng ngày để phòng bệnh.
6. Lời khuyên của bác sĩ
Dựa theo nguyên nhân và mức độ rối loạn giọng nói ở từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị nội khoa, luyện giọng.
- Điều trị can thiệp: vi phẫu thanh quản, tiêm steroid dây thanh, phẫu thuật cắt dây thanh…
Mục tiêu: điều trị nguyên nhân hiệu quả và đem lại chất lượng giọng nói tốt nhất cho bệnh nhân.
Người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi. Việc chẩn đoán đúng và điều trị sớm thì khả năng phục hồi giọng nói càng cao. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được hẹn tái khám và theo dõi để đánh giá mức độ hồi phục giọng nói.
Kết hợp với điều trị theo chỉ định của bác sĩ, trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khỏe mạnh, người bệnh cần:
- Uống nhiều nước.
- Có chế độ ăn ngủ điều độ.
- Tránh lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…),
- Tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản: la hét, đằng hắng giọng, nói trong môi trường ồn…
Theo suckhoedoisong.vn