Dấu hiệu cảnh báo thiểu năng tuần hoàn não.
Mặc dù thiểu năng tuần hoàn não (TNTHN) thường xảy ra ở lứa tuổi từ 40 trở lên, nhưng thống kê hiện tại cho thấy bệnh này đang ngày càng có xu hướng “trẻ hóa”. Nguyên nhân chính là do cuộc sống hiện đại và công nghệ phát triển nên giới trẻ hiện nay đang phải lao động bằng trí óc vất vả hơn, cường độ làm việc, học tập cao tạo nên áp lực lớn lên não bộ và cơ thể.
Vì sao bị TNTHN?
Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu não, hay gặp nhất là do xơ mỡ động mạch làm hẹp lòng ống để chứa máu và vận chuyển (nguyên nhân chính chiếm 60 - 80%). Vữa xơ động mạch khu trú tại nơi xuất phát của động mạch não sau hoặc chỗ phân đôi của các động mạch, đoạn cuối động mạch đốt sống. Khi gặp các yếu tố kết hợp khác như huyết áp động mạch thấp sẽ có những biểu hiện của triệu chứng TNTHN.
Một nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn động mạch đốt sống thân nền đó là tình trạng thoái hóa cột sống cổ, tùy mức độ thoái hóa khớp, mấu gai bên đốt sống gây chèn ép động mạch đốt sống. Đặc biệt một số động tác như quay đầu cổ đột ngột, hoặc gập cổ quá mức có thể chèn ép gây cản trở đường đi của động mạch đốt sống đối bên ở đoạn cổ (C1).
Các bất thường bản lề đốt sống cổ C1 và lỗ chẩm cũng là những nguyên nhân hiếm gặp của thiểu năng tuần hoàn não.
Các dị dạng bẩm sinh hay u, sùi, bóc tách thành mạch làm hẹp lòng mạch; Các cục máu đông gây cản trở dòng tuần hoàn máu... cũng có thể gây ra thiếu máu não.
Các biểu hiện thường thấy
Nhức đầu: là triệu chứng hay gặp (chiếm 90% trường hợp) đồng thời cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Tính chất đau lan tỏa, có tính co thắt hoặc khu trú vùng chẩm gáy - trán
Chóng mặt: có cảm giác hơi loạng choạng khi đi hoặc đứng, bập bềnh như say sóng, có người cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi di chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng đột ngột.
Dị cảm: là những cảm giác không thật, bất thường do bệnh nhân tự cảm thấy. Ví dụ như cảm giác tê bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò. Có cảm giác như ve kêu, cối xay lúa trong tai, tiếng này tồn tại cả ngày lẫn đêm, có khi ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, giấc ngủ và sức khỏe của người bệnh.
Rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ.
Rối loạn về sự chú ý: giảm sự chú ý, hay đãng trí hoặc chỉ chú ý đến một việc nào đó mà không còn phù hợp với hoàn cảnh lúc đó nữa
Rối loạn về cảm xúc: dễ cáu, dễ xúc động, không kiềm chế được.
Rối loạn trí nhớ: giảm trí nhớ gần, khả năng sắp xếp lại theo trình tự giảm.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như ù tai, giảm thính lực một bên hoặc hai bên thoáng qua. Rung giật nhãn cầu, hội chứng tiền đình, chóng mặt buồn nôn và nôn...
Khi có các triệu chứng trên, người bệnh nên đến bệnh viện khám sớm để được làm các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán căn nguyên để điều trị có hiệu quả, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm như nhũn não, đột quỵ...
Phòng và chữa bệnh thế nào?
Bản chất các tổn thương ở não trong thiểu năng tuần hoàn là do thiếu oxy và glucose làm tế bào thần kinh bị đói năng lượng - gây rối loạn vận chuyển các ion làm tổn thương tế bào thần kinh. Việc điều trị chủ yếu làm sao cho mạch máu không còn bị hẹp và không gây ra các cục đông vón trong lòng mạch làm cản trở dòng chảy của máu như dùng thuốc: aspirin, ticlcodipin, dipiridamol, các thuốc chống đông máu...
Tìm ra các nguyên nhân gây nên thiểu năng tuần hoàn não để điều trị được tận gốc. Nếu phát hiện thấy các dị dạng mạch máu não thì nên phẫu thuật hay tìm các biện pháp giải quyết triệt để khác trước khi để chúng gây ra tai biến.
Người mắc bệnh thiểu năng tuần hoàn não không nên xem thường hoặc chủ quan, cần điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp khắc phục. Nên khám bệnh định kỳ để được kiểm soát huyết áp, mỡ máu, ... nên có chế độ ăn uống hợp lý (không nên ăn nhiều, liện tục mỡ, phủ tạng động vật...). Không nên lạm dụng rượu bia, nhất là với những bệnh nhân huyết áp, đái tháo đường... Cần vận động cơ thể thường xuyên giúp khí huyết lưu thông. |
Theo suckhoedoisong