10-20% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh
Theo PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), Hippocrates người đầu tiên nhận ra bệnh tâm thần sau sinh. Năm 1700 và 1800 báo cáo về trường hợp "miễn truy tố vì bệnh tâm thần thời kỳ hậu sản" bắt đầu xuất hiện trong y văn ở Pháp và Đức.
Năm 1818, Jean Esquirol đầu tiên mô tả chi tiết 92 trường hợp bị rối loạn tâm thần hậu sản trong NC của Salpétrìere trong thời kỳ chiến tranh Napoléon. Victor Louis Marce, bác sĩ người Pháp, mô tả bệnh lý tâm thần thời kỳ hậu sản trong cuốn sách nổi tiếng 1856 "Điều trị bệnh tâm thần ở người phụ nữ có thai", đặt nền tảng cho các khái niệm hiện đại về bệnh tâm thần liên quan thai kỳ và thời kỳ hậu sản.
Năm 1960, B.Pitt mô tả một dạng trầm cảm "không điển hình" (sau này gọi là hội chứng buồn sau sanh ở người mẹ) hội chứng này nhẹ và chỉ tồn tại một thời gian ngắn.Châu Á: Hồng Kong, Lee 2001, tỷ lệ hiện mắc trầm cảm nặng là 5,5% và 4,7% với trầm cảm nhẹ tại thời điểm 4 tuần sau sinh, ở Ấn Độ 23% phụ nữ ở vùng Goan, Trung Quốc: 11,2%, ở Nhật 17%.
Tại Việt Nam, nghiên cứu tại Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, báo cáo tỷ lệ trầm cảm sau sinh hiện là 32,8%. Nghiên cứu tại bệnh viện Từ Dũ trong năm 2002, tỷ lệ trầm cảm sau sinh thật sự là 5,3% trong số 12,5% sản phụ có thang điểm EPDS ≥ 13. Nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Anh Thư, Hoàng Thị Diễm Tuyết (2022) trên 377 thai phụ trong giai đoạn COVID 19 biểu hiện trầm cảm sau sinh là 35,5% với các yếu tố ảnh hưởng: có người thân mất, thu nhập giảm, không khám thai theo hẹn, giảm chất lượng giấc ngủ.
Bệnh trầm cảm trên thế giới ảnh hưởng đến 121 triệu người. Trầm cảm nặng có thể dẫn đến tự tử và là nguyên nhân gây ra 850.000 ca tử vong hàng năm. Năm 2020, trầm cảm là nguyên nhân thứ hai gây tàn tật (WHO), đến 2030 nó là yếu tố đóng góp lớn nhất vào gánh nặng bệnh tật.
Trầm cảm ở bà mẹ ngày càng được công nhận là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới và có thể có tác động tiêu cực đến cuộc sống của một cá nhân, gia đình, sức khỏe và em bé. Trên toàn thế giới, khoảng 10-20% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai hoặc trong 12 tháng đầu sau sinh. Tỷ lệ trầm cảm của bà mẹ ở các nước thu thập thấp và trung bình từ 15% đến 57%. Khoảng 1/5 phụ nữ mang thai gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm và lo lắng.
Theo BS Khánh Trang, tại Việt Nam, trong thực tế, trầm cảm sau sinh là vấn đề chưa được XH quan tâm đúng mức. Nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng mới chuyển đến. Nếu có được sàng lọc tại các phòng khám sản phụ khoa từ đầu thì việc phát hiện sớm và điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn.
Khám sàng lọc phát hiện sớm trầm cảm
Trầm cảm sau sinh phát hiện sớm và điều trị (thuốc+tâm lý) kịp thời có tiên lượng tốt. Yếu tố sinh học: tiền căn rối loạn tâm thần (đặc biệt là rối loạn trầm cảm) của cá nhân hay gia đình. Yếu tố tâm lý – xã hội: tuổi, kinh tế, hôn nhân, địa vị xã hội, nhiều con, lạm dụng chất gây nghiện. Buồn sau sinh, xung đột trong cuộc sống vợ chồng, thiếu sự hỗ trợ về tình cảm vào tài chính, không còn việc làm, thất nghiệp, trình độ học vấn, quan hệ kém với mẹ chồng…
Trầm cảm sau sinh khiến người mẹ suy giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác trong thai kỳ, ý định tự làm hại bản thân và hành vi tự tự. Đối với trẻ, trầm cảm của người mẹ có thể làm cho thai non tháng, thai lưu, nhẹ cân lúc sanh, điểm APGAR thấp…
Tổ chức Y tế thế gới đã có chương trình hành động về sức khỏe tâm thần, hướng dẫn điều trị trầm cảm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả trong bối cảnh mang thai và giai đoạn sau khi sinh. Tất cả các quốc gia hạn chế về nguồn lực đều cần các phương pháp tiếp cận liên ngành, không chỉ lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn cả các chương trình giảm nghèo, chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, dạy nghề tạo thu nhập.
Tuy nhiên Việt Nam mới có hướng dẫn chuyên môn ở hệ thống chuyên khoa sức khỏe tâm thần; việc khám sàng lọc, phát hiện sớm trầm cảm ở phụ nữ mang thai/sau sinh chưa triển khai được một cách chủ động, có hệ thống. Hệ thống CSSKBMTE chưa có một hướng dẫn thể cho việc này. Sự lồng ghép, liên kết giữa hai ngành tâm thần và sức khỏe sinh sản còn hạn chế; Sự liên kết giữa các ngành để hỗ trợ người phụ nữ về tâm lý, về tài chính, về xã hội/pháp lý trong trường hợp bị bạo lực…
Để khắc phục, Việt Nam nên có những nghiên cứu tương đối toàn diện về các góc độ như phân tích thực trạng; Thí điểm sàng lọc, khảo sát vấn đề chấp nhận việc sàng lọc trầm cảm ở phụ nữ mang thai.
Vai trò của đội ngũ công tác xã hội, sự phối hợp giữa hai chuyên ngành sức khỏe tâm thần và sức khỏe bà mẹ trẻ em để điều trị; Sự phối hợp với các ngành xã hội để hỗ trợ người bệnh; Phổ biến hướng dẫn, đào tạo cán bộ trong hệ thống sức khỏe sinh sản, phổ biến rộng rãi cho cán bộ y tế tuyến dưới, hỗ trợ việc triển khai.
Rối loạn tâm thần đứng thứ 2 trong 3 vấn đề hàng đầu của sức khỏe trong các bệnh không lây. Trầm cảm chiếm tỷ lệ cao ở phụ nữ, nguy cơ tăng dần từ trước khi có thai, trong lúc mang thai và sau sinh. Nếu không phát hiện và có can thiệp kịp sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Phương thức sàng lọc đơn giản, hiệu quả được chấp nhận trên thế giới và tại Việt Nam với bảng câu hỏi sàng lọc EPDS.
Theo suckhoedoisong.vn