Phóng viên: Có ý kiến cho rằng một số trẻ có bản tính hung hăng, thích gây hấn và bắt nạt người khác. Theo bác sĩ đây có phải một dạng bệnh tâm lý cần điều trị hay không?

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc: Có nhiều nguyên nhân làm cho một đứa trẻ mang khuynh hướng bạo lực, thích gây hấn và hay bắt nạt bạn. Một trong những nguyên nhân phải kể tới là đứa trẻ sống trong gia đình hay cãi vã, bạo hành nhau. Bạo hành ở đây không phải chỉ vũ lực mà có thể là lời nói (chửi mắng, xúc phạm). Ngoài ra, tâm lý thích gây hấn, bắt nạt dễ xảy ra ở trẻ vị thành niên. Lúc này, trẻ đang trải qua giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, thích độc lập để chứng tỏ bản thân. 

Cha mẹ cần cho con tham gia hoạt động thiện nguyện để trẻ hiểu ý nghĩa của sự sẻ chia và lòng bao dung (trong ảnh: Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TPHCM chuẩn bị bánh mì tặng cho người lang thang, khó khăn) - ẢNH: P.T.
Cha mẹ cần cho con tham gia hoạt động thiện nguyện để trẻ hiểu ý nghĩa của sự sẻ chia và lòng bao dung (trong ảnh: Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TPHCM chuẩn bị bánh mì tặng cho người lang thang, khó khăn) - Ảnh: P.T.

Nếu cha mẹ không theo dõi sát sao, trẻ có nguy cơ phát triển tâm lý theo hướng lệch lạc: thích quyền lực, hãnh diện và vui thú khi cảm thấy mình mạnh hơn kẻ khác. Lâu dần sẽ thành một thói quen, dẫn tới trẻ bị rối loạn về hành vi và trở thành con người bạo lực. 

Dấu hiệu cảnh báo trẻ thích gây hấn, bắt nạt bạn là luôn tỏ ra hiếu thắng, ganh đua một cách cực đoan. Trẻ muốn mình phải hơn người khác bằng mọi giá, khó chấp nhận nếu bị thua kém. Trẻ có hành vi nhục mạ bạn bằng lời nói, bạo hành bằng vũ lực và bạo hành về mặt xã hội. Không phải cứ đánh bạn mới là bạo hành mà hình thức rủ rê các thành viên khác tẩy chay một đối tượng bằng cách đăng tải thông tin trên mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện cũng được xếp vào một dạng tấn công tinh thần người khác. Nếu phụ huynh và thầy cô thấy con em, học sinh mình có một trong các biểu hiện nêu trên thì cần có động thái kịp thời, tránh để sự việc diễn tiến xa gây hậu quả khôn lường.

Trẻ thích gây hấn và hay bắt nạt, bạo hành người khác có coi là mắc bệnh tâm lý không? Nếu hành vi này diễn ra thường xuyên thì đó là một biểu hiện của rối loạn hành vi. Nó xuất phát từ rối loạn tâm lý, trẻ cần được tư vấn và trị liệu bởi chuyên gia tâm lý nhằm tránh có những nhận thức lệch lạc, gây hại cho bản thân và những người xung quanh. 

* Theo bác sĩ, những sai lầm nào của phụ huynh nói riêng và người lớn nói chung vô tình “tiếp tay” cho bạo lực học đường?

- Sự thờ ơ, thiếu quan tâm đúng mức của người lớn vô tình góp phần để nạn bạo lực học đường lan rộng. Trước tiên, người lớn có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức đúng về mức độ nghiêm trọng khi trẻ xảy ra tranh cãi, va chạm, mâu thuẫn với nhau. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn dạy con ăn miếng trả miếng, khích lệ, cổ vũ khi con mình dùng bạo lực để xử lý mâu thuẫn với bạn. Tôi chứng kiến rất nhiều cha mẹ thấy con đanh đá, bắt nạt bạn về còn khen con cá tính, biết tự bảo vệ bản thân. Thậm chí những người xung quanh còn a dua, cổ xúy khi một đứa trẻ bị bạn trêu ghẹo đã đánh bạn, dùng thái độ hung dữ để dằn mặt bạn. 

Về phía nhà trường, thầy cô phải kiêm nhiệm quá nhiều việc dẫn tới không thể theo sát tâm sinh lý của mỗi em. Thầy cô chủ yếu lên lớp truyền đạt kiến thức, thế nên khi học sinh xảy ra mâu thuẫn sẽ âm ỉ như ngọn lửa nhen nhóm, rất khó có thể phát hiện và xử lý kịp thời. 

* Nếu trẻ có biểu hiện thích bắt nạt và bạo lực với bạn, phụ huynh và nhà trường cần can thiệp ra sao để có thể sớm ngăn chặn thưa bác sĩ?

- Gia đình và thầy cô cần biết cách nhận diện trẻ có xu hướng bạo lực, bắt nạt bạn để có biện pháp quản lý sớm. Chẳng hạn, nếu ở nhà cha mẹ thấy con hung hăng, hay la mắng, đánh em. Đó chính là biểu hiện của sự bạo lực, gây hấn. Cha mẹ hãy xem lại mình có thường cãi vã trước mặt con cái không? Tự vợ chồng cần thay đổi cách cư xử với nhau, hãy yêu thương và tôn trọng nhau. Nếu được sống trong môi trường lành mạnh đứa trẻ sẽ noi theo. Thông thường, trẻ sẽ biết chia sẻ, yêu thương, bao dung, nhường nhịn nếu bé được đối xử như vậy. Ở trường, thầy cô cũng có thể nhận biết một học sinh có khuynh hướng bạo lực, bắt nạt bạn qua sự hơn thua, hiếu thắng một cách cực đoan thông qua các hoạt động học tập, vui chơi. 

Hãy nhìn nhận các em học sinh thích gây hấn, bắt nạt bạn dưới góc độ một bệnh nhân đang cần được trị liệu tâm lý. Người lớn mà xử trí quá cứng nhắc, thiếu tinh tế thì có thể làm tổn thương và ảnh hưởng tới cả những em này. Việc chúng ta cần làm không phải là các hình thức xử phạt ra sao, bắt viết bản cam kết hay đuổi học khi một đứa trẻ tỏ ra cá biệt, ngỗ nghịch. Quan trọng hơn cả, ta cần thấu tình đạt lý, tìm cách giúp trẻ tự nhận thức ra hành vi không đúng của mình để sửa chữa. Hãy giúp những trẻ này biết chia sẻ, nhường nhịn, bao dung và hòa nhập với mọi người.

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Cha mẹ đừng bao biện cho hành vi bạo lực của con

Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) ghi nhận từ 8-10 trẻ có hành vi bắt nạt, gây hấn, bạo lực được gia đình đưa đến khám tâm lý. Con số này chỉ chiếm 20% trên tổng số ca tại Khoa Tâm lý của bệnh viện. Sở dĩ ít như vậy vì đa phần phụ huynh cảm thấy việc con mình bắt nạt người khác không nghiêm trọng vì chẳng tổn hại gì tới chúng. Họ bắt buộc phải đưa con tới trị liệu tâm lý do bị thầy cô, nhà trường yêu cầu bởi con họ gây ảnh hưởng tới các bạn trong lớp. Thậm chí, có phụ huynh còn khăng khăng với bác sĩ rằng con họ hoàn toàn bình thường, trẻ con đánh nhau là chuyện nhỏ.

Mới đây, tôi tiếp nhận nam bệnh nhi P.T.Đ. (14 tuổi, ngụ quận Tân Bình) được ba mẹ đưa tới vì cô giáo chủ nhiệm đề nghị cần hỗ trợ trị liệu tâm lý. Đ. thường xuyên tranh chấp, đánh bạn, thậm chí cầm đầu một nhóm tẩy chay bạn cùng lớp trên mạng xã hội. Hành vi này của Đ. tái diễn nhiều lần, thậm chí cậu bé còn tỏ ý thách thức cả giáo viên, không chịu hợp tác khi được khuyên bảo. Lúc gặp tôi ở bệnh viện, mẹ của bé vẫn nói con mình chỉ hơi hiếu động, mạnh bạo. Cô giáo và bạn bè trong lớp ghét con mình nên mới nói quá lên. Tôi khám cho Đ., tuy không dám tấn công bác sĩ nhưng cậu bé phản ứng bằng thái độ thách thức, im lặng không trả lời, vẻ mặt hằn học.

Đối với những bé này, gia đình phải ngưng nuông chiều con một cách vô lý. Cha mẹ cần phân tích cho con hiểu gây hấn và làm tổn thương người khác là hành vi sai trái. Hãy cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện để trẻ hiểu ý nghĩa của sự sẻ chia và lòng bao dung. Các thành viên trong nhà cũng nên thường xuyên tổ chức cuộc dã ngoại để gắn kết tình cảm. Bên cạnh đó, phụ huynh cần kiểm soát thời gian biểu của con. Hãy đảm bảo là bé không quá rảnh rỗi suốt ngày ngồi chơi điện thoại, máy tính. Những bé này nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhằm giải phóng bớt năng lượng và tránh bị căng thẳng, ức chế.

Ở trên lớp, thầy cô giáo hãy khéo léo giao những công việc, bài tập nhóm để tạo cơ hội cho các trẻ có khuynh hướng bạo lực, bắt nạt bạn tham gia, phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh theo dõi bé. Nếu thấy giữa các học sinh có xảy ra mâu thuẫn thì không nên xem nhẹ mà giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe các em chia sẻ, từ đó tháo gỡ khúc mắc kịp thời.

Nạn bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn. Gia đình và nhà trường cần sâu sát để kiểm soát, hạn chế xảy ra tình trạng bạo lực học đường, định hướng học sinh ứng xử phù hợp, trở thành người có ích cho xã hội.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc

Theo phụ nữ TPHCM