1. Công dụng của nhân sâm
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, nhân sâm có tác dụng
1.1 Gia tăng quá trình ức chế và gia tăng vỏ não
Nhân sâm có tác dụng gia tăng quá trình ức chế và gia tăng vỏ não, làm hồi phục bình thường khi hai quá trình trên bị rối loạn. Saponin trong nhân sâm lượng nhỏ chủ yếu làm hưng phấn trung khu thần kinh, lượng lớn có tác dụng ức chế.
1.2 Tăng sức lao động chân tay và trí óc
Nhân sâm có tác dụng tăng sức lao động trí óc và chân tay, chống mỏi mệt, làm tăng hiệu suất hoạt động tư duy và thể lực, chống lão hóa, cải thiện chức năng của não ở người lớn tuổi, tăng khả năng tập trung trí tuệ, tăng trí nhớ.
1.3 Tăng khả năng thích nghi
Nhân sâm giúp cơ thể tăng khả năng thích nghi, khả năng phòng vệ đối với những kích thích có hại, Nhân sâm có thể làm hồi phục huyết áp ở cơ thể choáng do mất máu, làm hạ huyết áp ở người huyết áp cao.
Bên cạnh đó, nhân sâm có tác dụng chống ACTH (hormon vỏ thượng thận) khiến tuyến thượng thận phì đại và chống corticoit làm teo thượng thận. Nhân sâm có thể làm hạ đường huyết do ăn uống đồng thời nâng cao đường huyết do hạ do insulin gây nên.
Nhân sâm có tác dụng tăng hiệu quả làm việc chân tay và trí óc.
1.4 Tăng cường khả năng miễn dịch
Nhân sâm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường khả năng thực bào của hệ tế bào võng nội bì, tăng hiệu suất chuyển hóa của tế bào lâm ba và globulin IgM, do đó mà nâng cao tính miễn dịch của cơ thể.
1.5 Kích thích hormon sinh dục
Nhân sâm có tác dụng hưng phấn vỏ tuyến thượng thận. Các tác giả cho rằng cơ chế là do thông qua vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra chất ACTH làm tăng cAMP (Cyclic adenosine monophosphate - là chất truyền tin thứ hai cần thiết cho nhiều quá trình sinh học xảy ra trong tế bào) của vỏ tuyến thượng thận.
Thân và lá của nhân sâm cũng có tác dụng hưng phấn hệ tuyến yên - vỏ tuyến thượng thận. Nhân sâm có tác dụng kích thích hormon sinh dục đực cũng như cái.
1.6 Hạ đường huyết và tăng chuyển hóa lipid
Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết. Đối với thực nghiệm, đường huyết cao ở chó, thuốc có tác dụng cải thiện trạng thái chung và hạ đường huyết.
Saponin nhân sâm làm tăng chuyển hóa lipid, tăng cường sự hợp thành sinh vật học cholesterol và lipoprotein trong gan chuột cống thực nghiệm. Nhưng lúc gây mô hình (cholesterol) cao trên động vật thì nhân sâm có tác dụng làm hạ. Nhân sâm có thể ngăn ngừa sự phát sinh cholesterol cao ở thỏ, vì vậy mà ngăn ngừa được sự hình thành xơ vữa động mạch.
1.7 Giảm tác hại của chất phóng xạ và ức chế tế bào ung thư
Nhân sâm có khả năng làm giảm tác hại của chất phóng xạ. Saponin nhân sâm Rh2 có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư. Ngoài ra, nhân sâm có tác dụng bảo vệ gan của thỏ và chuột cống, gia tăng chức năng giải độc của gan, Nhân sâm còn có tác dụng nâng cao thị lực và làm tăng khả năng thích nghi của thị giác đối với bóng tối.
Nhân sâm đại bổ nhưng có độc tính cần thận trọng khi dùng.
Độc tính của nhân sâm
Cho chuột nhắt uống bột nhân sâm gây nhiễm độc cấp, LD50 là trên 5g/kg cân nặng. Nếu tiêm thuốc vào dưới da chuột nhắt thì liều độc cấp LD50 là 16,5ml/kg, cho chuột nhắt uống nhân sâm theo liều lượng 100, 250, 500mg/kg liên tục trong 1 tháng và theo dõi nhiễm độc bán cấp không thấy gì thay đổi khác thường. Theo Kixêlev, tiêm vào dưới da chuột nhắt 1ml dung dịch nhân sâm 20% thấy sau 10 - 12 giờ chuột chết với trạng thái mất sắc nhưng cho uống thì độc tính rất ít.
2. Cách dùng nhân sâm
Theo Y học cổ truyền, nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: Sâm, nhung, quế, phụ.
Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí... nhân sâm được dùng để trị chứng chân khí suy kém; cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, người mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, căng thẳng thần kinh, người nóng, háo khát, đái tháo đường, loạn nhịp tim, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn...
2.1 Nhân sâm dùng đường uống
Ngậm: Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm, nhấm từng ít một, sau đó nhai nuốt cả nước và bã.
Hãm nước uống: Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một tí nước đậy nắp. Đun cách thuỷ, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thuỷ tiếp tục uống, làm như vậy cho đến khi hết mùi vị mới thôi. Ngày dùng 2-6g.
Theo tài liệu cổ, nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (lá có vị đắng, hơi ngọt), vào 2 kinh tỳ và phế; có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí; dùng chữa phế hư sinh ho suyễn, bệnh lâu ngày khí hư, sợ hãi, tiêu khát. Những người bệnh có thực tà không dùng được.
2.2 Đơn thuốc thường dùng nhân sâm trong Đông y
Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị nhân sâm) chữa cơ thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược: Nhân sâm 40g, nước 400ml (2 bát) sắc còn 200ml (1 bát), cho uống từng ít một, không kể thời gian. Uống xong nằm nghỉ.
Sâm phụ thang chữa những trường hợp mạch suy kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh: Nhân sâm 40g (có thể 20g), chế phụ tử 20g (có thể dùng 10g), sinh khương 3 lát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600ml) sắc còn 200ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Nhân sâm có thể ngậm hoặc hãm nước uống để bồi bổ cơ thể.
3. Người cao tuổi có nên dùng nhân sâm?
Với người cao tuổi, nếu không mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... thì có thể dùng một lượng nhân sâm vừa đủ theo khuyến cáo của bác sĩ để bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể trạng.
Với những trường hợp bị cao huyết áp, đái tháo đường, mất ngủ thường xuyên... không nên dùng nhân sâm vì có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, phải đi khám bệnh tại các chuyên khoa để theo dõi và điều trị nguyên nhân của bệnh.
Ngoài ra, những người cao tuổi mắc một số bệnh lý về tiêu hóa (như đầy bụng, sôi bụng, đi ngoài phân nát, viêm túi mật cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính...), bệnh lý hô hấp (như hen phế quản, lao, ho ra máu...) hoặc bệnh lý về hệ thống miễn dịch (như mụn nhọt, ban đỏ...) cũng không nên dùng nhân sâm.
Theo suckhoedoisong.vn