leftcenterrightdel
(Nguồn: HRD) 

Theo dự luật mới nhằm giảm bớt tình trạng bất công về gánh nặng của phụ nữ trong việc chăm sóc con cái và khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện vai trò của cả cha và mẹ, các công ty Nhật Bản có quy mô hơn 100 nhân viên sẽ được yêu cầu áp dụng chế độ nghỉ sinh con cho các nhân viên nam.

Đó là nội dung của dự luật sửa đổi do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đề xuất, mang tên “Các biện pháp hỗ trợ nuôi dạy con cái của thế hệ tiếp theo."

Dự luật sửa đổi sẽ được trình lên phiên họp thường kỳ hiện nay của Quốc hội và nếu được thông qua, văn kiện này sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2025.

Trước đó, từ tháng 4/2023, các công ty có quy mô hơn 1.000 nhân viên có nghĩa vụ công bố tỷ lệ các nhân viên nghỉ phép trong thời gian sinh con. Theo dự luật sửa đổi, yêu cầu này sẽ được áp dụng cho các công ty có trên 100 nhân viên.

Nếu dự luật trên được thông qua, khoảng 50.000 công ty sẽ phải thực thi quy định này. Các công ty không lập mục tiêu hoặc không công bố tỷ lệ thực tế sẽ được bộ trên tư vấn để khắc phục tình trạng này. Các công ty có ít hơn 100 nhân viên được khuyến khích đặt ra mục tiêu.

Mức độ của các mục tiêu sẽ được xác định tùy theo quyết định của mỗi công ty. Theo báo chí địa phương, những công ty đặt mục tiêu thấp hơn có thể bị coi là thiếu hệ thống hỗ trợ chăm sóc trẻ em đầy đủ, gây khó khăn cho việc thu hút những cá nhân ưu tiên cân bằng giữa việc chăm sóc trẻ em và công việc.

Trong bối cảnh số gia đình có vợ và chồng cùng đi làm ngày càng tăng ở Nhật Bản, hiện gấp đôi số hộ gia đình có mẹ làm nội trợ, khiến xu hướng các ông bố lựa chọn nghỉ sinh con cũng tăng.

Dữ liệu của bộ trên cho thấy tỷ lệ nghỉ sinh con của nam nhân viên ở mức 17,1% trong tài khóa 2022, dù con số trên đã tăng mạnh so với mức 1,9% vào năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 80,2% ở phụ nữ.

Xét về thời gian nghỉ phép, trong tài khóa 2021, có 51,5% nhân viên nam nghỉ chăm con ít hơn 2 tuần trong khi 95,3% nhân viên nữ nghỉ từ 6 tháng trở lên. Bộ trên cho biết điều quan trọng là các công ty phải thay đổi trong tư duy và điều chỉnh cơ cấu./.

Theo vietnamplus