Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

Sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Vật chủ chính của sán lá gan lớn là người, động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu và động vật có sừng khác.

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống. Ảnh minh họa

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống. Ảnh minh họa

Đường đi và triệu chứng khi bị sán lá gan lớn

Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng sán lá gan lớn có kích thước 140 x 80µm. Trứng sán xuống nước, nở ra ấu trùng lông, ấu trùng lông xâm nhập vào một số loài ốc là vật chủ trung gian thứ nhất. Trong ốc ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau thủy sinh tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. 

Người hoặc trâu, bò, cừu, dê... ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước chưa nấu chín có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh được chia thành hai giai đoạn:

- Giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan: Khi người bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc rồi xuyên thẳng đến gan, xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất. Kháng thể IgG xuất hiện sau 2 tuần. 

Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở ống mật nhưng trước khi vào ống mật, chúng vào nhu mô gan gây tổn thương dạng u hay áp xe, trong giai đoạn xâm nhập sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, tuyến vú, đôi khi có cả trong bao khớp.

- Giai đoạn xâm nhập vào đường mật: Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị. Tại đường mật, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, viêm tụy cấp, là yếu tố gây bội nhiễm.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.

  • Giai đoạn cấp tính là giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan, thường có sốt, đau hạ sườn phải và đau bụng.
  • Giai đoạn mãn tính là giai đoạn xâm nhập vào đường mật, thường các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm với bệnh khác. Các dấu hiệu cổ điển như: khó chịu vùng dạ dày, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, viêm mật, đường mật, sỏi túi mật. Gan luôn luôn to, có thể không đau khi sờ. Ở một số trường hợp có thể thấy cổ chướng.

Cả hai thể đối với sán lá gan lớn lạc chỗ gây nên hình ảnh lâm sàng hết sức phức tạp. Các chẩn đoán phân biệt với các bệnh có sốt và bệnh ký sinh trùng khác gây nên tăng bạch cầu ái toan và có các triệu chứng tương tự cần được loại trừ.

Thông thường khi mắc sán lá gan lớn, người bệnh biểu hiện:

  • Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu.
  • Đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc và mũi ức.
  • Sốt cao, rét run đôi khi sốt kéo dài.
  • Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt, rối loạn tiêu hóa:
  • Trường hợp thể nặng, một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng: tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa....; gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau; phản ứng viêm: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da; có mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống.

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống.

Thuốc điều trị và dự phòng sán lá gan lớn

Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, giảm đau... Nâng cao thể trạng, kết hợp theo dõi điều trị bệnh nền. Người bệnh tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân còn nhiễm bệnh sán lá gan lớn thì tiếp tục điều trị nhắc lại liệu trình điều trị.

Thuốc được lựa chọn để điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn là Triclabendazole 250mgLiều lượng: 10 mg/kg cân nặng. Liều duy nhất. Uống với nước đun sôi để nguội. Uống sau khi ăn no. Chống chỉ định: người đang bị bệnh cấp tính khác; phụ nữ có thai; phụ nữ đang cho con bú; người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc một trong các thành phần của thuốc; người đang vận hành máy móc, tàu xe; người bệnh trong giai đoạn cấp của các bệnh mạn tính về gan, thận, tim mạch...

Phòng bệnh

Tiêu chuẩn khỏi bệnh là khi hết triệu chứng lâm sàng; các xét nghiệm cận lâm sàng trở về bình thường, đặc biệt tổn thương gan trên chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

  • Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước.
  • Không uống nước lã.
  • Sau khi dùng một liều thuốc duy nhất, bệnh nhân cần được tái khám nhằm đánh giá lại hiệu quả tiêu diệt ký sinh trùng. Thời điểm tái khám là trong vòng 3 ngày sau khi uống thuốc và các thời điểm tiếp theo là sau 3 tháng, 6 tháng.
  • Định kỳ tẩy sán cho trâu, bò, cừu, dê...
  • Không ăn các loại ốc, cá nếu chưa được nấu chín kỹ.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần;
  • Khi phát hiện những triệu chứng bất thường của sán lá gan cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn