Nhiễm giun sán là một trong những vấn đề về y tế ở nước đang phát triển đặc biệt là với các nước nằm ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm nóng như Việt Nam. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển và lây lan trong đó có giun sán đường tiêu hóa.

Biểu hiện nhiễm giun sán

Bệnh về giun sán không thể lây trực tiếp từ người sang người. Giun sán lây thông qua việc tiếp xúc với trứng giun và trứng giun sán đưa vào cơ thể người. 

Khi nhiễm giun sán, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:

- Sốt kéo dài

- Đau bụng

- Đầy bụng, khó tiêu

- Rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy

- Ngứa ngoài da

- Thiếu máu gây xanh xao, mệt mỏi

Nhiễm giun sán có nguy hiểm không?

Nếu nhiễm giun sán không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như: viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, thiếu máu nhược sắc, giảm protein máu, tắc mật… một số trường hợp diễn biến nặng có thể gây tử vong.

Người nhiễm giun sán có thể điều trị tại nhà trong một số trường hợp nhẹ, người bệnh nhiễm với số lượng ít. Tuy nhiên khi các biểu hiện nêu trên không cải thiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm ra loại giun sán bị nhiễm. 

Rất nhiều trường hợp nhiễm giun sán gây biến chứng áp xe gan, nhiễm giun lươn gây tổn thương hệ tiêu hóa (dạ dày, tá tràng, ruột non…), nhiễm sán lá gan bé gây tình trạng viêm đường mật dễ dẫn tới ung thư đường mật…

Nhiễm giun sán có nguy hiểm không?- Ảnh 1.
Một người bệnh bị sán lá gan gây nhiễm trùng đường mật do thói quen ăn gỏi sống.

Phòng ngừa nhiễm giun sán ở người

Việc nhiễm giun sán thường xuất phát từ thói quen ăn uống của người dân, việc ăn thức ăn chưa được nấu kỹ, ăn đồ sống có thể dẫn đến nhiễm các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng. Người bệnh dễ bị nhiễm giun sán trong quá trình ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, chính vì vậy để phòng giun sán người dân cần thực hiện:

  • Ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn cần được chế biến kỹ để loại trừ các mầm bệnh. Hạn chế ăn các đồ sống như gỏi cá, rau sống cần được rửa sạch trước khi ăn.
  • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, tuyệt đối không phóng uế bừa bãi.
  • Ngoài ra hiện nay còn có xu hướng gia tăng các ca bệnh nhiễm giun đũa từ chó, mèo. Trong trường hợp gia đình nuôi chó mèo cần tẩy sạch giun cho vật nuôi theo định kỳ và đặc biệt lưu ý xử lý phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa.
  • Khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế thăm khám để chẩn đoán và tìm ra loại giun sán gây bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn