Có hơn 100 tuýp HPV, trong đó khoảng 80 tuýp hay gây bệnh ở da và 40 tuýp hay gây bệnh ở niêm mạc.
Theo Báo cáo toàn cầu về ung thư năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 17,8% số ca ung thư trên toàn thế giới được xác định là do tác nhân nhiễm trùng gây ra. Trong đó, HPV xếp thứ ba chiếm 5,2% trong số đó.
Các con số thống kê của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ) cũng cho thấy tác động của HPV đến sức khỏe con người. Theo CDC, HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung và liên quan đến hầu hết các trường hợp ung thư này. Ngoài ra, HPV cũng được liên kết với các loại ung thư khác như ung thư vùng sinh dục, ung thư hậu môn….
BSNT Trịnh Thị Linh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết HPV cũng có thể gây ra các bệnh lý khác trong niêm mạc miệng, chẳng hạn như các khối u ở vòm họng hoặc lưỡi, được gọi là ung thư vòm họng hoặc ung thư lưỡi, được liên kết với các loại HPV có nguy cơ cao.
Theo BS. Linh, các biểu hiện nhiễm HPV trong miệng, có thể như:
Biểu hiện giống hạt cơm thường ở da (verruca vulgaris): Dạng này ít gặp, chủ yếu do HPV tuýp 2, 4 gây nên, biểu hiện là tổn thương dạng nhú, thường có màu trắng do dày sừng nhiều.
Biểu hiện giống sùi mào gà (condylomata accuminatum): Dạng này thường gặp ở thanh thiếu niên và người trẻ, do HPV tuýp 6,11,16,18.. gây nên. Tổn thương dạng nhú, bề mặt xù xì, có cuống hoặc không, thường do quan hệ đường sinh dục- miệng, có thể gây loạn sản và ung thư khi nhiễm HPV tuýp nguy cơ cao.
Bệnh Heck (tăng sinh thượng bì nhiều ổ) do virus HPV gây nên
Bệnh Heck (tăng sinh thượng bì nhiều ổ), có triệu chứng như các sẩn nhỏ có màu da hoặc hơi đỏ, dày sừng ít và có kích thước khác nhau, và thường xuất hiện trên môi, miệng, má, lưỡi… và thường ít có nguy cơ ác tính. Bệnh do HPV tuýp 13,32 gây nên với yếu tố nguy cơ là vệ sinh kém.
Cách điều trị tổn thương do nhiễm HPV ở niêm mạc miệng sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của tổn thương và loại HPV gây ra. Thông thường, tổn thương do nhiễm HPV ở niêm mạc miệng có thể tự thoái triển trong 1-2 năm. Tuy nhiên, để hạn chế lây nhiễm, nguy cơ ác tính, có thể sử dụng các phương pháp loại bỏ như: thuốc bôi, áp lạnh, laser, phẫu thuật…. Song cách điều trị tổn thương do nhiễm HPV ở niêm mạc miệng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và phải được bác sĩ chuyên khoa nha khoa tư vấn và chỉ định.
Hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa nhiễm HPV ở niêm mạc miệng vẫn chưa được đánh giá chính xác. Tuy nhiên, vaccine HPV đã được chứng minh là hiệu quả trong phòng ngừa các bệnh ung thư liên quan đến HPV, như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư vòm họng, và các bệnh nhiễm trùng khác gây ra bởi HPV.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng vaccine HPV như một biện pháp phòng ngừa chính trong ngăn ngừa các bệnh liên quan đến HPV, bao gồm cả ung thư và các tổn thương ở niêm mạc miệng. Ngoài ra, việc hạn chế số lượng bạn tình cũng là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HPV và các bệnh liên quan.
Theo suckhoedoisong.vn