Bệnh ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, khi có triệu chứng xuất huyết âm đạo hoặc dịch âm đạo bất thường là bệnh đã nặng, tỷ lệ tử vong cao. Những tế bào ở phần cổ tử cung phát triển một cách bất thường, ban đầu xâm lấn tại chỗ sau đó tới những khu vực xung quanh và cuối cùng là di căn sang những bộ phận khác trên cơ thể.
1. Virus HPV có liên quan mật thiết đến ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu là do virus u nhú ở người hay còn gọi là HPV (Human Papilloma Virus) có liên quan mật thiết đến ung thư cổ tử cung.
Đa phần người mắc không biểu hiện triệu chứng và virus biến mất sau 1-2 năm. Trên một số người, HPV tồn tại kéo dài gây nên các u nhú và các tổn thương tiền ung thư. Những tổn thương tiền ung thư làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn và họng miệng.
Tuy nhiên, không phải ai mắc HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng hầu như toàn bộ người mắc ung thư cổ tử cung đều được phát hiện có HPV.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được các type HPV 16, 18, 31, 33, 35, 45, 52, 58 là nguyên nhân gây nên ung thư cổ tử cung, trong đó HPV 16 và 18 có khả năng gây ung thư cao nhất.
Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác cũng gây ung thư cổ tử cung như:
– Thói quen hút thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và hít khói thuốc bị động)
– Những người có quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, quan hệ đường miệng
– Điều kiện vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Không phải ai mắc HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng hầu như toàn bộ người mắc ung thư cổ tử cung đều được phát hiện có HPV.
2. Ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung sớm?
Ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có nhiều biến chứng như: cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước đi quyền làm mẹ của người phụ nữ, suy thận, ung thư di căn đến phổi, gan,… thậm chí gây tử vong ở giai đoạn cuối.
Vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung và ai nên tầm soát sớm căn bệnh này?
Theo khuyến cáo, phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi 3-5 năm một lần.
Tuy nhiên ở những bệnh nhân có nguy cơ cao thì việc tầm soát theo hướng dẫn của các bác sĩ.
Nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có thể nên khám bác sĩ sớm để được tư vấn cụ thể. Nên tầm soát sau lần đầu tiên 3 năm. Nếu sau 65 tuổi mà các sàng lọc trước đó bình thường bạn có thể ngừng tầm soát.
3. Các phương pháp tầm soát sớm ung thư cổ tử
Các bác sĩ sẽ thăm khám cổ tử cung qua nội soi (ở những phụ nữ đã quan hệ tình dục) có khả năng phát hiện những tổn thương tiền ung thư ở giai đoạn sớm, hoặc những tổn thương xâm lấn dạng sùi loét, chảy máu, dấu hiệu bất thường trên phiến đồ tế bào âm đạo.
Những xét nghiệm tế bào học cổ tử cung đều có hiệu quả tốt trong phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung đều có hiệu quả tốt trong phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm Pap smear : Hay còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung là một xét nghiệm tế bào học để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mặt khác, ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không còn tùy vào việc bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap smear có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại cơ hội chữa trị cao hơn cho bệnh nhân. Không những thế, phết tế bào cổ tử cung còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào cổ tử cung, từ đó cho thấy nguy cơ xảy ra ung thư trong tương lai.
Thực hiện tầm soát những tế bào bất thường này là bước đầu tiên trong việc ngăn chặn sự phát triển có thể có của bệnh ung thư cổ tử cung.
- Soi cổ tử cung là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, được tiến hành khi thấy cổ tử cung có tổn thương bất thường hoặc với những phụ nữ trên 40 tuổi.
- Sinh thiết cổ tử cung: Sinh thiết là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả, người ta tiến hành bằng cách lấy mô tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.
Tóm lại: Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm sẽ có tỉ lệ điều trị khỏi cao. Do đó, để phòng ngừa và điều trị bệnh cần phải tầm soát định kỳ, thăm khám, chẩn đoán kịp thời khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường.
Theo suckhoedoisong.vn