|
|
TP Lahore (Pakistan) gần đây đã ghi nhận mức ô nhiễm không khí gấp 40 lần so với tiêu chuẩn của WHO - Nguồn ảnh: Independent |
“Biến đổi khí hậu đang khiến chúng ta bị bệnh và hành động khẩn cấp là vấn đề sống còn” - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo.
Cơ quan giám sát khí hậu của EU cho biết, năm 2024 dự kiến là năm đầu tiên nhiệt độ ấm hơn 1,5 độ C so với mức trung bình. Trong 15 cách mà biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe đang được các chuyên gia theo dõi trong chương trình The Lancet Countdown, số người trên 65 tuổi tử vong vì nắng nóng đã tăng 167% kể từ những năm 1990. Đây chỉ là một trong những mức cao nhất mọi thời đại. Nhiệt độ quá cao còn dẫn đến các nguy cơ sức khỏe như rối loạn thận, đột quỵ, ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, các bệnh tim mạch và hô hấp, suy nội tạng và tử vong.
Jeni Miller - Giám đốc điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu - cho biết: năm 2024 đã thể hiện rất rõ những tác động ngày càng tăng của khí hậu ấm lên đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người. Bà chỉ ra tình trạng nắng nóng khắc nghiệt đã khiến hơn 700 người tử vong và hơn 40.000 trường hợp say nắng ở Ấn Độ. Những trận mưa do biến đổi khí hậu khiến một con đập ở Nigeria bị vỡ, làm 320 người tử vong; 48 trong số 50 tiểu bang của Mỹ bị hạn hán ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng hơn.
Tây Ban Nha vẫn đang phục hồi sau trận lũ lụt chết chóc nhất, trong khi một số khu vực của Mỹ và Cuba đang khắc phục hậu quả sau các cơn bão gần đây. Hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng đến mùa màng trên toàn cầu, dẫn đến nạn đói gia tăng ở nhiều khu vực.
Bên cạnh vấn đề nhiệt độ tăng là tình trạng ô nhiễm không khí đáng lo ngại. Theo thống kê, trong năm 2024, hầu như toàn bộ dân số thế giới (99%) phải hít thở không khí vượt quá mức ô nhiễm theo hướng dẫn của WHO. Loại ô nhiễm này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác, gây ra mối đe dọa tương đương với thuốc lá. Theo số liệu của WHO, gần 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Chỉ tuần trước, Lahore - thành phố lớn thứ hai của Pakistan - đã ghi nhận mức ô nhiễm không khí cao gấp 40 lần mức cho phép.
Biến đổi khí hậu cũng khiến muỗi, chim và động vật có vú di chuyển ra khỏi môi trường sống trước đây của chúng, làm tăng mối đe dọa lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Sốt xuất huyết, sốt chikungunya, Zika, vi rút Tây sông Nile và sốt rét đều là những căn bệnh do muỗi truyền và có khả năng lây lan rộng hơn khi thế giới nóng lên. Theo Lancet Countdown, nguy cơ lây truyền của một con muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã tăng 43% trong 60 năm qua. Một kỷ lục toàn cầu với hơn 5 triệu ca sốt xuất huyết đã được ghi nhận vào năm 2023. “Bão và lũ lụt tạo ra nước tù đọng, là nơi sinh sôi của muỗi và cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước như bệnh tả, thương hàn và tiêu chảy” - WHO cảnh báo.
Theo phụ nữ TPHCM