1. Vì sao nên tạo thói quen vệ sinh đúng cách trong kỳ kinh nguyệt?

Các thói quen vệ sinh cá nhân tốt không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tật mà còn giúp bạn cảm thấy hài lòng về bản thân, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn. Đối với hầu hết mọi người, vệ sinh sạch sẽ là một phần trong thói quen hàng ngày của họ. Đặc biệt đối với chị em mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, càng nên chú ý đến vệ sinh cơ thể.

Vệ sinh không đúng cách trong thời kỳ kinh nguyệt là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa thường gặp. Trong những ngày có kinh, lượng máu kinh nhất định sẽ thoát ra ngoài theo đường âm đạo. Những ngày này, cổ tử cung mở để tống máu kinh ra ngoài, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập từ âm đạo vào buồng tử cung.

Trong kỳ kinh nguyệt, nhiều phụ nữ thường bị đau bụng, mệt mỏi khiến họ ngại không muốn tắm rửa hay vệ sinh cơ thể, cộng với một số quan niệm sai lầm là chị em cần kiêng kị tắm rửa khi hành kinh. Đây là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm một số bệnh đường sinh dục như viêm âm hộ, viêm âm đạo hay viêm cổ tử cung.

PGS. TS. BS. Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Sinh sản Giới tính Việt Nam cho biết, môi trường có máu là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Khi hành kinh, nếu không vệ sinh đúng cách có thể gây ứ trệ máu kinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây một số viêm nhiễm.

Nguy hiểm hơn nữa, tình trạng ứ trệ có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ như gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên đến vòi tử cung ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản, có thể dẫn đến vô sinh.

photo-1676455754510
 

Vệ sinh đúng cách sẽ giảm nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.

2. Vệ sinh đúng cách trong những ngày "đèn đỏ"

Trong những ngày kinh nguyệt, chị em không nên kiêng nước mà vẫn cần tắm rửa thường xuyên và tạo thói quen vệ sinh kinh nguyệt đúng cách.

Khi có kinh, nhiều người thường có cảm giác "bẩn" nên thường xuyên rửa thật kỹ, thậm chí dùng xà phòng để rửa cho "sạch". Tuy nhiên, các chuyên gia sản phụ khoa đều đưa ra lời khuyên không nên dùng sữa tắm hoặc xà phòng hay chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín trong kỳ kinh nguyệt vì có thể gây kích ứng, gây khô và ngứa ngáy.

Chị em nên vệ sinh vùng kín với nước ít nhất 2-3 lần mỗi ngày. Nước dùng để rửa nên là nước ấm sạch. Không nhất thiết phải sử dụng các loại dung dịch vệ sinh vì chúng có thể làm thay đổi độ pH và ảnh hưởng tới môi trường vi khuẩn âm đạo. Nếu vẫn muốn dùng dung dịch vệ sinh thì nên chọn loại có độ pH trung hòa.

Theo TS. Lưu Thị Hồng, một số chị em bị dị ứng với băng vệ sinh nên thường có biểu hiện ngứa rát vùng sinh dục khi đến kỳ kinh. Điều quan trọng là cần chọn loại băng vệ sinh phù hợp, đã được kiểm duyệt chất lượng và không nên sử dụng các loại băng vệ sinh có mùi hương nhân tạo.

PGS. TS. Hồng lưu ý, trong thời gian có kinh nguyệt phải đảm bảo thời gian thay băng vệ sinh tối đa là từ 4-6 giờ / lần. Đối với những ngày máu kinh ra nhiều thì cần thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ. Trước và sau khi thay băng vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.

Cũng theo BS. Lưu Thị Hồng, khi có công việc đi xa hoặc di chuyển nhiều thì chị em nên lựa chọn tampon hoặc cốc nguyệt san (đối với những người đã lập gia đình) nhưng vẫn phải tuân thủ thời điểm để lấy ra, tránh tình trạng ứ trệ máu kinh gây viêm nhiễm ngoài ý muốn. Kể cả trong những ngày cuối, lượng máu kinh ra ít nhưng vẫn phải thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh viêm nhiễm.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em nên ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi điều độ. Tránh những hoạt động nặng trong những ngày có kinh. Vận động mạnh hoặc quá nhiều trong những ngày đèn đỏ có thể khiến lượng máu kinh ra nhiều hơn, cơ thể dễ mệt mỏi. Bạn chỉ nên vận động vừa sức, tập các bài tập nhẹ nhàng giúp cơ xương thư giãn, lưu thông máu, giảm bớt đau bụng kinh,…

Theo suckhoedoisong.vn