Rong kinh là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phụ nữ nào có kinh nguyệt.
Lượng máu mất trung bình trong kỳ kinh nguyệt là khoảng 30–45 ml trong 4–5 ngày. Tuy nhiên, phụ nữ bị rong kinh có thể bị chảy máu kéo dài hơn 7 ngày hoặc chảy máu nhiều. Kinh nguyệt ra nhiều làm ảnh hưởng đến sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày và với một số trường hợp báo hiệu có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Chảy máu nhiều không được điều trị có thể gây thiếu máu, một tình trạng xảy ra khi máu không mang đủ oxy đến phần còn lại của cơ thể. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, suy nhược và đau ngực.
1. Những nguyên nhân gây rong kinh
Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài bất thường có thể do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể gây rong kinh thuộc ba loại: các vấn đề liên quan đến tử cung, các vấn đề liên quan đến nội tiết tố và các bệnh hoặc rối loạn khác.
U xơ tử cung: Những khối u không phải ung thư phát triển bên trong hoặc bên ngoài thành tử cung gây chảy máu nhiều hoặc đau bụng kinh.
Polyp tử cung: Polyp là sự phát triển quá mức của mô nội mạc tử cung, là loại mô lót bên trong tử cung.
Rụng trứng không đều: Nếu nội tiết tố bị gián đoạn gây ra hiện tượng rụng trứng không đều, niêm mạc tử cung có thể tích tụ và trở nên quá dày. Khi lớp lót này bong ra trong kỳ kinh nguyệt, chảy máu nhiều có thể xảy ra. Điều này phổ biến ở tuổi dậy thì và tiền mãn kinh. Đôi khi xảy ra do giảm cân hoặc căng thẳng hoặc là triệu chứng của một số tình trạng bệnh lý, bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang và suy giáp.
Adenomyosis: Ở những người mắc bệnh này, mô từ niêm mạc tử cung bị dính vào cơ tử cung gây chảy máu kinh nguyệt nhiều và đau.
Dụng cụ tử cung không có nội tiết tố: Loại dụng cụ tránh thai này nằm trong tử cung có thể gây chảy máu nhiều.
Bệnh viêm vùng chậu: Nhiễm trùng cơ quan sinh sản này thường là kết quả của các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị.
Các biến chứng liên quan đến thai kỳ: Sảy thai hoặc thai ngoài tử cung gây chảy máu bất thường.
Ung thư: Ung thư tử cung, cổ tử cung và buồng trứng ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và gây chảy máu nhiều.
Rối loạn chảy máu di truyền: Bệnh Von Willebrand và rối loạn chức năng tiểu cầu.
Thuốc: Một số loại thuốc chống viêm và chống đông máu có thể dẫn đến chảy máu nhiều.
Các tình trạng sức khỏe khác có thể gây rong kinh bao gồm rối loạn tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung và bệnh gan hoặc thận.
2. Chẩn đoán rong kinh
Nếu thời gian kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, nên đi khám. Nếu bác sĩ nghi ngờ rong kinh, sẽ hỏi về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh lý và chu kỳ kinh nguyệt và cho xét nghiệm.
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán rong kinh bao gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh thiếu máu, bệnh tuyến giáp và rối loạn đông máu.
- Pap smear để đánh giá nhiễm trùng cổ tử cung, viêm và ung thư.
- Sinh thiết nội mạc tử cung để kiểm tra niêm mạc tử cung xem có bất thường tế bào và ung thư không.
- Siêu âm để đánh giá các cơ quan vùng chậu, bao gồm tử cung, cổ tử cung và buồng trứng.
- Sonohysterogram (siêu âm bơm nước buồng tử cung) là bơm chất lỏng vào tử cung và sử dụng siêu âm để đánh giá các bất thường.
- Nội soi tử cung để kiểm tra lớp niêm mạc xem có bất thường không.
- Nong và nạo để phát hiện và điều trị những bất thường.
Trong một số trường hợp, các triệu chứng do các loại chảy máu bất thường khác như:
- Đa kinh: Đây là hiện tượng kinh nguyệt xảy ra quá thường xuyên.
- Kinh nguyệt ít: Tình trạng chảy máu kinh nguyệt không thường xuyên hoặc không nhất quán.
- Băng huyết: Hiện tượng chảy máu bất thường này xảy ra giữa các chu kỳ và dường như không liên quan đến kinh nguyệt.
- Chảy máu sau mãn kinh: Xảy ra trong thời kỳ mãn kinh.
3. Điều trị rong kinh
Khi có dấu hiệu rong kinh cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Điều trị rong kinh phụ thuộc vào từng trường hợp và nguyên nhân cơ bản của chảy máu. Bác sĩ sẽ xem xét tuổi, sức khỏe tổng quát và tiền sử bệnh, nhu cầu của người bệnh như ngừng kinh nguyệt hoàn toàn, hay muốn tiếp tục có kinh nguyệt.
Điều trị bằng thuốc
- Bổ sung sắt để điều trị thiếu máu.
- Thuốc tránh thai để làm cho thời gian đều đặn hơn, giảm chảy máu hoặc ngừng chảy máu hoàn toàn
- Thuốc theo đơn axit tranexamic (Lysteda), dùng mỗi tháng vào thời điểm chảy máu để giúp hạn chế chảy máu nhiều.
- Liệu pháp nội tiết tố bằng thuốc có chứa estrogen, progesterone, hoặc cả hai để giảm lượng máu chảy.
- Đặt vòng tránh thai nội tiết tố trong niêm mạc tử cung, có thể giúp giảm chảy máu và chuột rút
- Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen điều trị đau bụng kinh. Tuy nhiên, một số thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như aspirin, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và có thể không phù hợp cho những người bị rong kinh.
Can thiệp phẫu thuật
Bác sĩ sẽ xác định có can thiệp phẫu thuật không, phẫu thuật nào là phù hợp nhất, xem xét nguyên nhân và mức độ chảy máu, tuổi tác và sức khỏe, nhu cầu của người bệnh.
Rong kinh là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, đặc biệt là những bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Cần đi khám ngay khi có những biểu hiện bất thường để có phương án điều trị kịp thời và điều chỉnh lối sống như nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng; ngủ đúng giờ, đủ giấc, vệ sinh vùng kín sạch sẽ; Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung chất cho cơ thể tránh tình trạng thiếu máu để cải thiện tình trạng kinh nguyệt.
Theo suckhoedoisong.vn