Tháng 8, gia đình anh Tuyển gồm 4 thành viên đều mắc Covid-19 với các triệu chứng điển hình như ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác... Cả nhà được đưa đi cách ly, may mắn bệnh không trở nặng, sau hai tuần điều trị thì khỏi bệnh.

Anh Tuyển cho biết, hai tuần nay kể từ khi khỏi bệnh, hai cô con gái, một học cấp 2 và một là sinh viên, đều đã khỏe hẳn, còn vợ chồng anh thì lại cảm thấy cơ thể yếu đi nhiều. Vợ anh, 43 tuổi, vẫn còn xuất hiện các triệu chứng ho, người mệt mỏi, thi thoảng đau tức ngực, đau nặng đầu. Thời điểm mắc Covid-19, chị bị mất khứu giác, đến nay khứu giác đã có lại nhưng vẫn không được như trước.

"Những mùi đặc trưng thì vẫn ngửi được, nhưng có những mùi trước đây đứng cách 5-10 mét đã cảm nhận được thì nay phải ghé sát mới ngửi thấy", anh Tuyển nói.

Anh Tuyển là người duy nhất trong nhà đã được tiêm một mũi vaccine Covid-19, sau khi xuất viện vẫn cảm thấy "toàn bộ cơ thể đều yếu đi". Những ngày đầu sau khỏi, tai anh hay bị ù, nói nhiều một hồi thì ho. Đến nay, tình trạng ho, hắt hơi bớt dần nhưng vẫn còn dai dẳng. Đặc biệt, anh còn đi tiểu khó, đau đầu...

"Nói chung, những triệu chứng hệt như lúc mới xuất hiện khi mắc Covid-19", anh cho biết.

Nhà anh ở tầng trên cùng của một khu chung cư quận 1, cạnh những gia đình khác, tầng này tất cả chừng 30 người đều nhiễm Covid-19 và nay đã khỏi bệnh. Anh cho biết: "Hầu như mọi người tại dãy chung cư này sau khi khỏi bệnh đều cảm thấy các bộ phận cơ thể yếu đi, dù khi mắc Covid-19 không trở nặng". Hàng ngày, mọi người chỉ ở nhà nghỉ ngơi, ăn uống và tập thể dục tăng cường sức khỏe.

Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM, hồi tháng 7. Ảnh: Thành Nguyễn

Anh Diệp Thanh Nhàn, 30 tuổi, quận Gò Vấp, từng điều trị 17 ngày tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM, phải thở oxy liều cao. Hiện tại, anh đã xuất viện được 13 ngày, các triệu chứng của bệnh không còn nhưng sức khỏe chưa thể hồi phục như trước, đặc biệt là hệ hô hấp.

Anh cho biết: "Trước đây khi hít đất, hít xà đơn thì mới hơi mệt, còn nay chỉ cần đi bộ ở nhà từ lầu 1 lên lầu 2 phải thở dốc, hoặc đi bộ vài vòng quanh nhà đã mệt, dừng lại nghỉ rồi mới đi tiếp. Chức năng phổi chỉ còn 20-30%, phải tập thở lại dần dần".

Trước đây, anh Nhàn thường xuyên rèn luyện thể dục, chơi nhiều môn thể thao. Nay với tình hình sức khỏe hiện tại, anh phải tập thở từ từ, dự kiến tập thể dục dưỡng sinh 3-6 tháng để sức khỏe dần hồi phục.

Phạm Văn Tiên, 28 tuổi ở quận Bình Thạnh, đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 trước khi dương tính, nên mức độ bệnh nhẹ hơn, điều trị tại bệnh viện dã chiến 13 ngày. Hiện Tiên đã xuất viện, theo dõi tại nhà hơn 2 tuần, các triệu chứng ho vẫn còn. "Tôi bệnh mức độ nhẹ và đã gần một tháng kể từ khi mắc bệnh nhưng đến nay vẫn còn mệt, kèm ho, sức khỏe chỉ còn 80% so với trước. Hiện tại tôi cố gắng vận động và tăng cường dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe sau khi khỏi Covid-19", Tiên chia sẻ.

Tình trạng nhiều người sau khỏi bệnh vẫn chịu các di chứng kéo dài, được các nhà khoa học trên thế giới gọi là "hội chứng hậu Covid" hoặc "hội chứng Covid kéo dài". Tình trạng này đã được ghi nhận nhiều tại các nước, song với các nhà khoa học, hội chứng hậu Covid vẫn còn là hiện tượng khó lý giải nhất của đại dịch. Tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại nhiều người vẫn chịu các triệu chứng Covid-19 kéo dài (Long Covid) trong bối cảnh số ca nhiễm vượt 200 triệu, trong khi chưa lý giải được tại sao. Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, ngày 4/8 cho biết nhiều người nhiễm nCoV phải chịu những ảnh hưởng lâu dài.

"Chúng tôi chưa rõ chúng kéo dài bao lâu. Chúng tôi đang nghiên cứu các triệu chứng tiêu biểu để hiểu rõ hơn và đưa ra định nghĩa về hội chứng hậu Covid", bà nói.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, giải thích Covid-19 là một bệnh toàn thân, gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bệnh nhân bị ảnh hưởng qua quá trình điều trị lâu, bao gồm ảnh hưởng tâm lý cộng với việc sử dụng thuốc... khiến các chức năng, cơ quan, đều bị suy giảm, nhất là bệnh nhân bị nặng nằm hồi sức.

Ví dụ, bệnh nhân bị tổn thương phổi lâu, phổi có thể bị xơ hóa, tuy không chết nhưng khi hồi phục lại vẫn còn tổn thương, xơ hóa. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến các triệu chứng hô hấp lâu hơn, phải mất một thời gian sau để hồi phục dần.

Thứ hai, trong Covid-19 có tỷ lệ nhất định hiện tượng cơ thể bệnh nhân sinh ra các kháng thể chống lại virus, điều này có thể khiến cho các bộ phận của cơ thể gây ra bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.

Ngoài ra, một số trường hợp sốt kéo dài, viêm kéo dài có thể gây ra các bệnh lý khác nhau như hội chứng thực bào tế bào tủy...

Theo Janet Diaz, trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp WHO, người đứng đầu công tác xử lý Covid-19 kéo dài, hơn 200 triệu chứng khác nhau đã được ghi nhận. Trong đó, tiêu biểu là tức ngực, mẩn ngứa và phát ban. Một số người có triệu chứng kể từ giai đoạn cấp tính. Có người tiến triển tốt sau đó bệnh tái phát, tình trạng thỉnh thoảng xuất hiện rồi biến mất. Số khác biểu hiện triệu chứng sau giai đoạn cấp tính, khi đã khỏi hẳn.

Các chuyên gia đã nghiên cứu những bệnh nhân đầu tiên tại Trung Quốc, ghi nhận vào tháng 12/2019. Bà Janet Diaz cho biết một số người phát triển hội chứng hậu Covid trong ba tháng, số khác là 6 tháng. WHO khuyến nghị những người còn chịu di chứng Covid, dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ.

Bác sĩ Hà khuyến cáo người gặp các vấn đề liên quan triệu chứng hậu Covid-19, tùy từng trường hợp, nên tham vấn bác sĩ để phân tích nguyên nhân như thế nào, các triệu chứng ra sao... mới có phương án điều trị phù hợp.

Theo vnexpress